Chuyện đời nơi bãi giữa Sông Hồng: Giấc mơ...cái neo của cặp vợ chồng già
79 tuổi vẫn đạp xe nhặt rác nuôi vợ và vớt xác trôi sông
Đã 46 năm cùng nhau trải qua sống cuộc sống không nhà, không cửa, mãi đến cuối đời, ông Thành - bà Thuỷ mới có được một "mái nhà" che mưa che nắng nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, nó được làm bằng 24 chiếc thùng phuy và những mảnh gỗ ghép vào với nhau được neo đậu bên bờ bãi giữa Sông Hồng.
![]() |
Không tài sản, không con cái nhưng ông bà đã hạnh phúc bên nhau 46 năm nay. |
Ông Thành nói, thấy hoàn cảnh ông bà khó khăn các nhà hảo tâm đã góp tiền cho ông bà xây dựng “ngôi nhà” này từ cuối năm vừa rồi. Chính tay ông đi mua vật liệu và tự mình lắp ghép làm thành cái nhà.
Ông Thành và bà Thuỷ có cùng số phận lang thang từ bé. Ông Thành chỉ nhớ quê mình ở Thanh Hoá giáp Sầm Nưa, vùng biên giới Việt - Lào. Cha mẹ ông mất sớm, anh em tứ tán khắp nơi kiếp ăn. Số phận đưa ông đến gặp bà Thuỷ cùng cảnh nhặt rác kiếp sống rồi nên duyên vợ chồng từ năm 1969. Trên cánh tay ông Thành vẫn còn dòng chữ 2-6-1969, đó chính là ngày cưới của ông bà.
![]() |
Ông Thành khoe vết xăm kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng |
Hai ông bà không có con, cuộc sống không nhà rày đây mai đó. Ông bà mới về cư ngụ nơi bãi giữa 4 năm nay và chính thức có cái gọi là “tổ ấm”.
79 tuổi, ông Thành vẫn vạm vỡ, mạnh khoẻ, chưa bao giờ phải đặt chân vào bệnh viện. Từ 10h đêm đến 4h sáng ông Thành đạp xe trên đường đi nhặt rác. Có khi ông đi tận Hà Đông, Đông Anh…sáng về bán phế liệu được chừng 20-30 nghìn để lo cho cuộc sống qua ngày của hai vợ chồng.
Ông bảo, phải đi ban đêm chứ ban ngày không có rác, vì công nhân môi trường nào cũng đeo cái bao, mà cứ cách 1 mét lại có người nhặt thì lấy đâu ra. Chịu khó đi ban đêm, chỉ cần đủ tiền mua ít gạo, dầu, mỡ còn lại ông bà trông đợi vào luống rau dưa tự trồng trên bãi.
Bà Thuỷ ít hơn ông 2 tuổi, gầy gò nhưng trông khá nhanh nhẹn. Đặc biệt, đôi mắt bà luôn ánh niềm vui khiến người đối diện cảm thấy ấm lòng. Mấy năm nay ông Thành cho vợ “nghỉ hưu”, chỉ mình ông đi nhặt rác nuôi bà.
Trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng ông bà lại cùng nhau hút thuốc lào, tiếng điếu cày pha lẫn tiếng cười giòn giã của cả hai người khiến cuộc đời trở nên nhẹ bỗng. Ông bà bảo: Buồn làm gì, cứ vui đi dù đời vẫn còn đói khổ.
Những người quanh bãi giữa biết vợ chồng ông, ai cũng bảo: "Ông bà Thành Thuỷ nghèo nhưng yêu chiều nhau lắm, chẳng bao giờ thấy họ cãi nhau".
Ông Thành nhặt rác kiếm sống nhưng lại chăm làm việc thiện. Vừa rồi, có 1 cô gái giận chồng, ra bãi giữa tự tử, đang lúc chới với thì ông Thành vớt lên. Ông làm các động tác hô hấp nhân tạo, sau đó cô gái sống lại, ông đã gọi điện để báo gia đình họ đón cô gái về.
Nhiều năm sống trên sông ông Thành không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu xác người chết trôi sông. Thấy xác người dập dờn ông lại vớt cho lên bờ và gọi công an tới để nhận và thông báo cho người nhà.
Ông Thành kể: Có khi xác còn bị sóng đánh vào mạn thuyền, mình vớt lên rồi gọi công an đến. Có nhiều người nhà của người xấu số thấy vậy thì cũng biếu cho ông ít tiền. Ông cứ làm thiện thôi, ai cho thì lấy chứ không đòi hỏi.
Tình thân trong thiên hạ
Ở bãi giữa này không phải ai muốn ở thì ở, ông Thành làm việc thiện nên người ta cho ông tá túc nơi này. “Có người công an ở bên Ngọc Thuỵ Gia Lâm ra chơi với ông bà, thấy ông bà già chú ấy bảo: “Ông bà có giấy tờ thì đưa đây con làm bảo hiểm y tế cho để sau này ốm đau khỏi phải lo” nhưng chúng tôi làm gì có giấy tờ gì. Thế là chú ông an cũng đành chịu, chú cho ông bà mấy trăm nghìn rồi về.”- Ông Thành kể.
Cuộc sống nghèo, không tài sản, không con cái nhưng ông bà Thành, Thuỷ lại sống rất hạnh phúc và cũng nhận được rất nhiều tình thân trong thiên hạ. Đó là những người ra sông tắm, họ thường mang thức ăn dư thừa ra cho ông bà để ông bà đỡ phải chợ búa.
“Tuy không có con nhưng lúc nào ông bà cũng vui vẻ, có vợ chồng con cái Việt kiều Úc về Việt Nam cũng kéo cả con cái ra chơi với ông bà. Vợ chồng anh Thu trong miền Nam, huỷ cả chuyến du lịch Hạ Long để ở trên thuyền với ông bà mấy ngày liền. Thấy ông bà không có tiền, anh chị sắm cho ông bà một ít đồ uống để bán cho khách tắm sông nhưng bày ra cả tháng chẳng ai mua. Cứ đưa ra lại đưa vào nên đành phải kí gửi cho người ta bán hộ. Anh chị ấy còn hẹn tháng 9 này sẽ ra thăm ông bà nữa đấy.”- Ông Thành tâm sự.
![]() |
Căn bếp của ông bà Thành- Thuỷ |
Ông Thành cho biết: “Ngày xưa, chẳng có nhà, tối đến hai vợ chồng tạt vào gốc cây, góc phố nào đó để ngủ. Đi nhặt rác toàn đi bộ chứ làm gì có xe đạp. Rồi một hôm có nhà sư ở chùa Quán Sứ nhìn thấy ông vác rác trên vai nên thương tình, thầy cho tiền mua chiếc xe đạp đi đến bây giờ.”
Bà Thuỷ thi thoảng lại nhìn chồng ấm áp, bà đưa cho ông cái điếu cày, góp thêm vài câu chuyện đời mình cho chúng tôi nghe. Bà bảo: Mới có “nhà” chứ trước đây khổ lắm. Mưa bão, chẳng biết trú vào đâu. Năm trước ông nhà tôi toàn phải đi nhặt bàn thờ người ta vứt trôi sông ghép vào mà chui ra, chui vào. Thuyền bé, cập kênh, lộn xộn chui ra chui vào toàn va phải đầu.”
Ông Thành nghe vợ nói cũng góp thêm: “ Ừ thì đói no, khổ sở phận mình rồi, nhưng nhờ người ta thương nên giờ cũng đã có chỗ mà neo đậu, chui ra chui vào là mừng lắm.”
![]() |
![]() |
Tổ ấm được neo bằng chiếc cọc đơn sơ bên bờ sông sẽ ra sao khi mùa bão đang về |
Nói chưa xong câu chuyện nhưng ông Thành lại phải đạp xe lên phố có việc. Còn lại bà Thuỷ, chúng tôi hỏi bà mơ ước điều gì không? Nghĩ mãi bà rồi cười thật thà: “Ối giời ơi, vừa được cho tiền làm nhà rồi, giờ ước nữa thành tham lam. Nhưng mà cô hỏi thì tôi cũng nói thật, đó là già rồi, mùa mưa bão sắp về rồi, thuyền này chỉ buộc tạm ở bờ sông, giờ tôi chỉ ước một cái neo thôi, chả ước gì hơn thế...”
Sau buổi gặp chúng tôi đã quay lại bãi sông gặp lại vợ chồng ông bà Thành Thuỷ để biếu số tiền cho ông mua neo nhưng ông nói ông đã hàn chiếc xà beng làm chiếc neo tự chế, ông trấn an chúng tôi “chỉ có chiếc neo tự chế này mới chắc chắn dễ sử dụng” ông xin phép dùng số tiền của chúng tôi biếu mua dây neo và chiếc bình ắc quy mới để thắp sáng. Miền Bắc đang mưa bão, liệu tổ ấm của ông bà Thành Thuỷ có được bình yên khi mùa mưa bão đang về?
Bài 2: Chuyện đời nơi bãi giữa Sông Hồng: Người đàn ông “lâu lâu lại lấy vợ”