Chuyến di chuyển trị giá hàng chục tỷ USD của quân đội Mỹ
Quân đội Mỹ cũng sẽ để lại khoảng 7 tỷ USD thiết bị ở Afghanistan. “Chúng tôi rất tự tin, chúng tôi có các quy trình phù hợp và các thủ tục để đưa thiết bị của mình ra khỏi Afghanistan và trở về nhà”, Thiếu tướng Kurt Stein, Chỉ huy lực lượng hỗ trợ 1st Theater Sustainment Command (TSC 1) cho biết.
Trong 15 tháng qua, đơn vị của Stein đã dẫn đầu nỗ lực để sắp xếp, đóng gói, di chuyển và đưa lên tàu hàng nghìn phần của các thiết bị đã tích lũy ở Afghanistan trong hơn một thập kỷ chiến đấu. Trong suốt thời gian đó, Mỹ đã mang về nước khoảng 32.000 chuyến xe vận tải, ông Stein nói.
Chuyến di quân trở về của quân đội Mỹ không hề dễ dàng |
Đây là một phần trong kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ. Kế hoạch hiện tại sẽ cắt giảm gần một nửa sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ kể từ tháng 2/2012 - từ khoảng 60.000 quân xuống còn khoảng 34.000 quân. Sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan của Mỹ và NATO dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5/2014, hiện vẫn chưa có thông báo về việc có bao nhiêu binh sĩ có thể vẫn còn ở Afghanistan vượt quá thời hạn đó. Lực lượng TSC 1 hiện chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động duy trì sự sống trong các khu vực trung tâm chỉ huy hoạt động, Stein nói.
Ông Stein có nhiều kinh nghiệm phục vụ như một tướng hậu cần cao cấp trong thời gian giải giáp quân ở Iraq. Và theo ông, việc giải giáp quân ở Afghanistan còn khó hơn nhiều lần.
Trong quá trình giải giáp tại Iraq, quân đội Mỹ có thể lái xe chở thiết bị của họ tới Kuwait. Ở đó, các thiết bị được sắp xếp và quyết định liệu nó sẽ được lưu, gửi về nhà hay trở thành phế liệu. "Chúng tôi không có một Kuwait ở Afghanistan", Stein nói, "Đó là một quốc gia bị cô lập". Afghanistan cũng không có đường giao thông và cơ sở hạ tầng như Iraq, và cuộc chiến ở Afghanistan vẫn còn nóng, ông nói thêm.
Mỹ có kế hoạch đưa về nước khoảng 76% số thiết bị đã mang đến Afghanistan, 24% còn lại sẽ được giải quyết ở trong nội địa nước này, các quan chức cho biết.
Quân đội Mỹ đã tiến hành một phân tích chi phí chi tiết để xác định giá trị vận chuyển các trang thiết bị là bao nhiêu, những gì có thể được chuyển giao cho các lực lượng an ninh Afghanistan, và những gì nên được loại bỏ, Stein nói.
Một container vận chuyển có chi phí từ 3.500 đến 3.800 USD để mua mới nhưng sẽ mất đến 12.000 USD để đưa nó trở về Mỹ, Stein cho biết. "Nó không có ý nghĩa gì", ông nói, "Những gì chúng tôi làm trong tình huống đó là chúng tôi tháo dỡ các container, và bây giờ chúng tôi bán kim loại phế liệu cho người Afghanistan địa phương. Điều đó tốt cho cả họ, tốt cho cả chúng tôi".
Để làm được điều này, TSC 1 và Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ đã phải mở rộng khả năng của quân đội để biến các thiết bị thành phế liệu, di chuyển đội tháo dỡ từ sân bay Kandahar và sân bay Bagram đến 8 địa điểm khác trên toàn quốc. Các mặt hàng khác, chẳng hạn như bàn làm việc và máy phát điện, được chuyển giao cho Afghanistan.
Các đội chuyên gia lưu động sẽ cùng với các đơn vị quân đội triển khai xem xét toàn bộ các phần của thiết bị nhằm xác định những gì nên được lưu giữ hay loại bỏ, và làm việc với các đơn vị khác để chuyển các thiết bị này cho Afghanistan. Quân đội Mỹ cũng được lệnh không để lại bất kỳ “rác” quân sự nào.
Quân đội Mỹ đang thực hiện việc giải giáp với các phương án tiết kiệm tiền bạc nhất có thể. Từ mùa hè năm 2012, khoảng 80% thiết bị cần đưa đi đã ra khỏi Afghanistan, hoặc trở lại Mỹ hoặc ở các nước láng giềng để chuẩn bị cho chặng đường “trở về nhà”.
Đến nay, khoảng 80% số còn lại đang được vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng gần nhất. Hầu hết các đoàn xe đều di chuyển qua Pakistan, sử dụng các tuyến đường mở cửa mà Pakistan gọi là Tuyến Đường Truyền Thông.
Việc di chuyển thiết bị bằng đường bộ là một cách “tiết kiệm chi phí rất lớn cho người nộp thuế của chúng tôi”, Stein nói. Các “mặt hàng nhạy cảm” vẫn còn đang trong quá trình rời khỏi đất nước đầy biến động này.
Đây thực sự là một kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động một cách “tổng thể và toàn diện” của quân đội Mỹ tại Afghanistan.