Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan
Theo đó, vào ngày 16/9, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức “Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan”.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Ông Andy Allen – Chuyên gia cao cấp về thuận lợi hoá Thương mại - Dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID, với sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị hải quan địa phương.
Hội nghị đã giới thiệu các nội dung của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ Pháp luật Hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa cơ quan Hải quan và đại diện một số doanh nghiệp tham gia chương trình.
Mục tiêu của “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao). Cơ quan Hải quan sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các doanh nghiệp tham gia chương trình là những tuyên truyền viên để giúp các DN còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích, đồng thời cũng cần phải có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật Hải quan hiện nay (mức độ tuân thủ và đánh giá xếp hạng) nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ.
Cục Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối phối hợp với các Vụ/Cục thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan cũng như các Ban của VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp kịp thời tổng hợp các vướng mắc, hướng dẫn chi tiết cụ thể, điều phối chung để chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Đây là Chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kĩ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 266 DN với đầy đủ các loại hình: nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu.
Từ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình. Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình”.
Đại diện USAID tại Việt Nam cho biết: “Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023) nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định thương mại tự do của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Dự án làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải Quan - Bộ Tài Chính nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn hóa các thủ tục hành chính, tăng cường sự phối kết hợp giữa trung ương và địa phương cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Dự án hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam cải thiện môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.”.
Còn Tổng Cục hải quan, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi và tiếp tục khởi sắc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các giải pháp quyết liệt linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch; trong đó “Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan” là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hàng năm.
Chủ trương này cũng đã được quy định cụ thể tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, phù hợp với chiến lược phát triển Chính phủ số nói chung, phát triển Hải quan số nói riêng cũng như xu thế của thế giới (kiến nghị tại Khung tiêu chuẩn SAFE của WCO).
Tiến Anh