Chục triệu người Việt mang "thủ phạm" gây ung thư gan
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Bệnh nhân P.V.C (70 tuổi, nam, Hưng Yên) đến bệnh viện khám vì bụng chướng nhiều hơn.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân C,. cho biết: Ông uống rượu nhiều năm, mỗi ngày uống khoảng 100ml, chưa đi khám bao giờ, có con trai phát hiện viêm B cách đây 10 năm và đang điều trị.
Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân có cảm giác chướng bụng căng dần, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, tiểu màu vàng sẫm, dạ xạm, không đau ngực, không khó thở, đại tiện bình thường và không rõ gầy sụt cân. Bệnh nhân có tự mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Dựa vào những biểu hiện bất thường khi khám như: Có chứng hoàng đản (da vàng, củng mạc mắt vàng), bụng chướng, gõ đục vùng thấp, lách to độ II, gan dưới bờ sườn 3cm, bề mặt không đều; vì vậy, bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân C., làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Kết quả chỉ số men gan tăng bất thường có AST/ALT: 645/23, HBsAg: dương tính, AFP tăng: 14771 (bình thường 0-8.78 ng/mL).
Siêu âm ổ bụng: Hình ảnh u gan phải (theo dõi HCC)/ Xơ gan - lách to, dịch tự do ổ bụng.
Kết quả chụp X-quang tim phổi: Dày dính màng phổi và dài xơ hóa đáy phổi 2 bên.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (có thuốc cản quang): Hình ảnh u gan (theo dõi HCC lan tỏa)/ Xơ gan, lách to, dịch tự do ổ bụng, dịch màng phổi phải và nhiều nốt thứ phát phổi hai bên.
Xâu chuỗi các kết quả gồm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân có chẩn đoán ung thư gan nguyên phát - theo dõi di căn phổi/viêm gan B.
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan B cao nhất khu vực với khoảng 10-15% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người nhiễm vi rút này, song nguy hiểm là hầu hết không biết mình bị nhiễm…
Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước đang có khoảng 10 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm ga B và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật của viêm gan vi rút B và C là rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan B rất cao, khoảng 10-15% dân số. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C chiếm từ 1-3% dân số.
Khi bị nhiễm vi rút viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan vi rút thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.