Chuẩn mực "đàn ông đích thực" đè nặng lên vai nam giới Việt Nam
Nghiên cứu chỉ ra rằng những chuẩn mực truyền thống về nam tính và giới đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều nam giới Việt Nam. Những chuẩn mực này đã làm sai lệch nhận thức của nam giới.
TS Khuất Thu Hồng: Tài chính, sự nghiệp đang là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. |
Chia sẻ tại buổi hội thảo tham vấn chính sách từ kết quả nghiên cứu "Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập” vào sáng 28/10, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, dù xã hội thay đổi hàng ngày, hàng giờ nhưng hơn 20 năm qua, những dự án về giới chỉ tập trung hầu như vào phụ nữ, còn nam giới không phải là đối tượng chính.
Do đó, kết quả nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện tại 4 địa phương Hà Nội, Hoà Bình, Khánh Hoà và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thay đổi quan niệm của người Việt rằng nam tính, nữ tính do bẩm sinh mà không thể thay đổi.
Nghiên cứu được khảo sát trên 2567 nam giới từ 18- 64 tuổi được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng những chuẩn mực truyền thống về nam tính và giới đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều nam giới Việt Nam. Những chuẩn mực này đã làm sai lệch nhận thức của nam giới, hạn chế quyền năng của phụ nữ và góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
TS Khuất Thu Hồng cho biết, các tiêu chí về người đàn ông đích thực được đề ra quá cao (là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con, có vị trí trong cơ quan nhà nước, khả năng tình dục cao…) buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng.
“Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp”, TS Khuất Thu Hồng nói.
Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khoẻ tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị.
“Đã có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18- 29”, TS Khuất Thu Hồng thông tin.
Lý giải con số trên, TS Khuất Thu Hồng cho rằng có thể là trong khi nhóm nam nhiều tuổi hơn đã ổn định cuộc sống gia đình và sự nghiệp thì nhóm nam giới trẻ chịu áp lực rất lớn về việc xây dựng gia đình, sự nghiệp, đặc biệt là khi mà khu vực đô thị lại là nơi có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và chi phí cho cuộc sống đắt đỏ hơn.
Trong khi, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam cho thấy tỷ lệ tự tử vong ở nam giới đã gia tăng trong những năm gần đây và cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ này ở phụ nữ.
Và để đối phó với những áp lực và tình trạng căng thẳng này, nhiều nam giới Việt Nam đã tìm đến những thực hành có hại trong đó có hút thuốc lá, uống rượu bia là hai hành vi phổ biến nhất.
"Cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc lá và có 6 người đã từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời", TS Khuất Thu Hồng thông tin.
Sự nghiệp: phấn đấu vào Đảng và có vị trí cao trong cơ quan nhà nước; có bằng cấp cao, là lãnh đạo làm công việc có tay nghề cao và ưu tiên sự nghiệp hàng đầu.
Năng lực tính cách: Đàn ông đích thực phải là chấp nhận mạo hiểm, thử thách; mạnh mẽ không tỏ ra yếu đuối, sử dụng công nghệ hiện đại, có cơ thể khoẻ mạnh, quan hệ xã hội rộng, phong thái mạnh mẽ dứt khoát không để bản thân và gia đình thua kém người khác.
Sinh lực: Đàn ông đích thực phải có khả năng tình dục cao; nhiều kinh nghiệm tình trường; chủ động dẫn dắt quan hệ tình dục, biết uống rượu bia, chủ động tỏ tình và luôn hào phóng, che chở cho phụ nữ và sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ danh dự.
Bổn phận gia đình: Đàn ông đích thực phải là trụ cột trong gia đình, kiếm đủ tiền nuôi được vợ con; lấy vợ sinh con và thờ cúng tổ tiên.
N. Huyền