Chuẩn bị kết hôn, nam thanh niên 26 tuổi giật mình vì 'nhà máy' quá bé
BS Thân Ngọc Tuấn |
Anh N.V.H (26 tuổi, Quảng Ninh) đi khám tiền hôn nhân. Anh H. dự định kết hôn đầu năm 2020. Khi bác sĩ làm xét nghiệm tinh dịch đồ: Không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch. Anh H. vô cùng hoang mang không biết vì sao. Kết quả các xét nghiệm khác cũng có nhiều bất thường.
Các xét nghiệm nội tiết - hormone nam bất thường: Chỉ số hormone FSH tăng (36mU/mL) gấp 3 lần bình thường, LH tăng (15,2 mU/mL) gấp hơn 2 lần bình thường, trong khi Testosteron (hormone đặc trưng của nam giới) lại rất thấp (6,98 nm/l) so với bình thường độ tuổi trưởng thành cần trên 15 nmol/l. Siêu âm tinh hoàn: Hình ảnh tinh hoàn kích thước nhỏ hơn bình thường chỉ 30x15x20 mm và nặng 4,9 gram.
Dựa vào kết quả xét nghiệm và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân H., là Azoospermia - hội chứng suy sinh dục tiên phát, theo dõi papiloma dương vật.
Theo anh H, anh có tiền sử bị bệnh quai bị và có biến chứng viêm đau tinh hoàn, nhưng gia đình không đi khám kiểm tra lại sau đó và nghĩ không ảnh hưởng gì.
Theo bác sĩ Thân Ngọc Tuấn – Bệnh viện Medlatec, tỉ lệ nam giới vô sinh do không có tinh trùng chiếm tỉ lệ khá cao. Bác sĩ Tuấn cho biết nguyên nhân của vấn đề này vô cùng phức tạp, nhưng chung quy lại có 2 loại bao gồm: Không tinh trùng do bít tắc đường dẫn tinh (mào tinh hoặc ống dẫn tinh) và không tinh trùng do vấn đề sinh tinh; hoặc nam giới mắc hội chứng Klinefelter; nam giới bị đột biến mất đoạn gen AZF trên nhánh dài nhiễm sắc thể giới tính Y.
Trường hợp của anh H. bác sĩ Tuấn cho biết có thể sử dụng liệu pháp hormone thay thế bổ sung Testosteron để tránh hiện tượng suy giảm hormone nam gây ảnh hưởng tới sự phát triển các cơ quan khác cơ thể.
Đồng thời anh H., được tư vấn thực hiện tìm tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu tinh hoàn (MicroTese). Tuy nhiên, khả năng thành công phẫu thuật vi phẫu của anh không cao do gần như các ống sinh tinh đã bị xơ hóa từ lâu.