Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh đăng đàn về khởi nghiệp tại "ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người"
Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh là diễn giả Việt Nam duy nhất được WEF mời tham gia "Diễn đàn Mở về khởi nghiệp và sáng tạo: ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người? " |
Ông Lê Hồng Minh sẽ đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ về bức tranh khởi nghiệp trong nước và rộng hơn là những tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng, cơ hội và những thách thức mà cuộc CMCN 4.0 đem lại cho khu vực Đông Nam Á. Vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững và toàn diện tại khu vực này.
Đây là phiên Diễn đàn mở do Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ban tổ chức WEF triển khai, kéo dài 90 phút vào sáng 11/09/2018, được livestream trực tiếp trên trang web chính thức của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Cùng với 5 diễn giả quốc tế đến từ các tổ chức uy tín và chính phủ các nước ASEAN, ông Lê Hồng Minh sẽ thảo luận về những tiềm năng và cơ hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn chuyển đổi số. Sự kiện được diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018).
Phiên thảo luận sẽ được giới thiệu bởi ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh sẽ đọc phát biểu chào mừng và khai mạc sự kiện. Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia về lĩnh vực này như Bà Julia Andrea R. Abad, Giám đốc Trung tâm chính sách công cộng Đại học Viễn Đông, Philippines; Ông Rajan Anandan, Giám đốc Google khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ; Bà Annie Koh, Phó Chủ tịch Văn phòng Phát triển Kinh doanh, Singapore;... Phiên thảo luận do Bà Amrita Cheema, Biên tập viên cấp cao tại Duetsche Welle, Đức điều phối.
“Diễn đàn mở Khởi nghiệp và Sáng tạo: ASEAN 4.0 cho mọi người?” tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với các quốc gia Đông Nam Á; Sự thay đổi về nghề nghiệp trong thời kì bùng nổ các ứng dụng công nghệ cao đi kèm với những thách thức; và Đưa ra cách thức tiếp cận mới, những chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng và phát huy những lợi thế mà CMCN 4.0 đem lại.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến những thách thức không nhỏ nhưng cũng kèm theo đó là những cơ hội to lớn về công nghệ, viêc làm, đa dạng hóa các ngành dịch vụ; tinh thần doanh nghiệp, sự phát triển của các startup đột phá với cốt lõi là những cá nhân sáng tạo, dám đón nhận thử thách là yếu tố rất quan trọng.
Với slogan “Đón nhận thử thách” gắn liền với quá trình phát triển của VNG, ông Lê Hồng Minh sẽ chia sẻ về cơ hội cho “tất cả mọi người tại ASEAN” trong kỷ nguyên 4.0, từ các Tập đoàn lớn cho đến Doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn các cá nhân. Internet di động sẽ mang đến những thị trường rộng mở, những cơ hội lớn trong vòng 5 – 10 năm tới cho giới khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh như thương mại điện tử, giao thông, thanh toán điện tử…
Ông cũng sẽ chia sẻ về tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á, về xu hướng kinh doanh đa nền tảng (platform) đang thành hình tại khu vực này. Trong bối cảnh đó, các chính phủ ASEAN sẽ tạo ra động lực thúc đẩy “4.0 cho mọi người” thông qua việc tập trung xây dựng hạ tầng (kết nối 5G, thanh toán), chia sẻ dữ liệu và chuyển đổi mô hình chính phủ điện tử mới, trên cơ sở chính phủ kết nối.
Có thể nói, Đông Nam Á hiện đang dần trở thành thung lũng Silicon thứ hai của thế giới, với 7,86 tỷ USD đầu tư vào startup khu vực này trong năm 2017, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực là fintech, thương mại điện tử và sản xuất trò chơi. Báo cáo của Google cho thấy, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017, và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.