Chủ tịch TP.HCM không muốn sáp nhập các sở
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. |
Ngạc nhiên vì Bình Chánh “đòi” lên quận
Trong buổi sáng, đoàn làm việc do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã nghe các quận Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh báo cáo về việc thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh tiếp tục nêu ra đề xuất xin được nâng cấp đơn vị hành chính từ huyện lên quận – điều mà lãnh đạo huyện này đã nhiều lần đề cập trong các cuộc họp với UBND TP và các sở ngành trước đó.
Theo ông Hồng, diện tích của huyện là hơn 25.000ha, dân số gần 640.000 người, có 16 xã (trong đó có 1 thị trấn). Theo ông Phó chủ tịch thì huyện đã tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy huyện đã có đủ điều kiện để “lên” quận. Chính vì vậy tới đây huyện sẽ có đề án chính thức gửi Thành ủy và UBND TP xem xét.
Ngoài ra, trong thời gian chờ xét duyệt, huyện đề nghị Trung ương và Thành phố cho phép 4 xã được áp dụng cơ chế quản lý cấp phường là Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên. Ông Hồng cho rằng đây là những xã có dân số trên 100.000 người và tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Trình bày với đoàn công tác, lãnh đạo huyện cũng nêu ra những khó khăn khi phải quản lý một lượng lớn dân cư với mô hình cấp xã, và điều này đã gây nên sự quá tải trầm trọng.
“Mỗi công an viên hiện đang quản lý một ấp với dân số khoảng 15.000 đến 20.000 người” – ông Hồng cho hay và đưa ra số liệu cho thấy ở các phường mỗi cảnh sát khu vực chỉ quản lý 1.000 đến 1.500 người.
Tuy nhiên trong tại buổi làm việc với UBND TP vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết rấc ngạc nhiên trước những đề xuất trên của huyện Bình Chánh. Ông cho rằng Bình Chánh chưa đủ điều kiện lên quận và mô hình phù hợp nhất với nơi này là “Thị xã”.
Liên quan đến vấn đề này ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP cho biết đó chỉ là đề xuất riêng của huyện chứ TP chưa xem xét. Đồng quan điểm này ông Trương Văn Lắm – Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng Sở cũng chưa xem xét đề xuất của huyện.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng với biên chế như quy định sẽ không xử lý kịp công việc vì quá tải. |
Nếu sáp nhập như vậy thì không làm nổi
Báo cáo với đoàn vào buổi chiều, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng biên chế công chức hành chính mà Bộ Nội vụ giao cho TP là chưa phù hợp, do đó TP đã sử dụng vượt mức trên 3.000 biên chế. Theo ông Tuyến với tình hình thực tế và mức tăng dân số hàng năm thì nếu TP không làm như vậy sẽ không đủ nhân sự để hoàn thành nhiệm vụ.
Về tinh giảm biên chế, ông Phó chủ tịch thừa nhận rằng TP đang gặp rất nhiều khó khăn vì các cơ chế đánh giá còn bất cập, bởi vậy chưa thể đánh giá chính xác những cá nhân nào không đáp ứng được tiêu chuẩn để cho thôi việc.
Lấy ví dụ cho vấn đề này, ông Đỗ Phi Hùng – Phó giám đốc Sở Xây dựng nêu ra một trường hợp khiến nhiều người bất ngờ. Theo ông, tại sở có một Phó giám đốc xin tinh giản biên chế nhưng không được, mà lý do là vì năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi theo quy định phải không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền mới được tinh giản. “Cuối cùng đồng chí đó phải xin thôi việc” – ông nói.
Cũng tại buổi làm việc này ông Uông Chu Lưu đặt ra vấn đề sáp nhập các sở như dự thảo của Bộ Nội vụ. Theo đó Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ thành Sở Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng sẽ thành Sở hạ tầng và Phát triển đô thị...
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP cho biết quan điểm của TP là không đồng ý.
Theo ông hiện TP đang đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp, chỉ riêng năm 2017 TP phải có 50.000 doanh nghiệp, tương đương với 4.000 doanh nghiệp mỗi tháng, nên khối lượng công việc tại đây là “kinh khủng”.
Cũng theo ông Phong, năm 2016 Sở Kế hoạch Đầu tư TP phải giải quyết hơn 270.000 hồ sơ và hiện đang theo dõi hơn 6.700 dự án nên rất vất vả. Do đó: “Nếu nhập lại thì sao làm nổi, mà không làm thì công việc đình trệ” – ông Phong cho hay.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng cho biết thêm rằng quan điểm này đã được ông nói rõ với Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Vĩnh Tân trong chuyến ra Hà Nội mới đây.