“Chủ tịch tỉnh chỉ biết làm, xong rồi đi xin tiền trung ương”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lý giải khi UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về Luật đầu tư công vào sáng 23/9 trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Luật đầu tư công liên quan đến nhiều luật khác như Luật đấu thầu, luật ngân sách, đất đai…nên cần phải đề cập, quy định rõ.
Nhấn mạnh đến các hợp đồng thầu, chọn thầu và thanh toán phải một giá. Nghĩa là trúng thầu bao nhiêu thì trả thầu bấy nhiêu. Bởi thực tế hiện nay khi trúng thầu 100 tỷ, nhưng sau đó thanh toán lại lên tới vài trăm tỷ. Điều này không được, thông lệ quốc tế không làm, còn ta lại cứ làm. Cứ điều chỉnh lương, lạm phát là điều chỉnh, hậu quả là công trình sẽ tăng giá.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh bức xúc vì các địa phương cứ làm dự án, làm xong rồi thì đi xin tiền trung ương, gây lãng phí lớn |
“Giá trúng thầu và giá thanh toán phải là một. Nguyên tắc là không điều chỉnh, trừ trường hợp bất khả kháng như lũ quét, hạn hán, động đất thì có thể xem xét điều chỉnh” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng luật này liên quan đến luật ngân sách và đầu tư công, đặc biệt liên quan đến luật đấu thầu nên cần phải hết sức lưu ý. Bởi vậy có thể đưa vào điều 10 về các hành vi bị cấm về luật đầu tư công. Chứ hiện nay Quốc hội phải chấp nhận nhiều cái mà ta không lường trước được trong khi triển khai các dự án. Bên cạnh đó luật quy định công khai minh bạch trong đầu tư thì các tiêu chí quy định cũng cần phải công khai minh bạch.
Ông cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư nhiều lắm mà không phải vì lợi nhuận. Vậy khoản này nằm ở đâu? Nếu đưa vào hạch toán kinh doanh thì rất khó khăn cho họ. Ông Ksor Phước đề nghị phải quy định như thế nào để họ yên tâm đầu tư các công trình phi lợi nhuận như bệnh viện, trường học.
Điều được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu quan tâm và đặt câu hỏi, liệu khi ban hành Luật đầu tư công có khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân cấp quá mạnh, thiếu chế tài, kéo dài thời gian thực hiện dự án không? Luật này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó ở mức nào?
Đầu tư công phải dựa trên cơ sở chiến lược kế hoạch, quy hoạch cụ thể của từng địa phương, nên theo ông Lưu phải có một tầm nhìn trung hạn, dài hạn trong điều 6 của luật về quản lý đầu tư công. Khi có chủ trương nhưng chưa đưa vào quy định cụ thể như vốn, kỹ thuật thì dự án chưa nên làm.
Cho rằng luật được ban hành sẽ khắc phục được một số tồn tại hiện nay, đặc biệt việc đầu tư dàn trải, tuy nhiên Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, để hiện thực hóa được thì phải có sự rà soát lại cho đỡ mâu thuẫn, tránh chồng chéo với các luật khác.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Luật đầu tư công có liên quan đến một số luật, như luật NSNN, xây dựng, nợ công…tuy nhiên không có chồng chéo gì nhiều. Luật này cũng chưa có gì vướng mắc với Luật đất đai. Khi Luật đầu tư công có hiệu lực, ông Vinh khẳng định sẽ hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, bố trí tràn lan, địa phương không dám tự mình “quyết định ào ào” các dự án.
Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng: “Cái lãng phí nhất là chủ trương đầu tư”. Nhiều công trình làm xong không ai ở, đường miền núi làm to, rộng thế để làm gì? Vậy ai quyết định các dự án? "Chủ tịch tỉnh chỉ biết làm dự án, làm xong rồi thì đi xin tiền trung ương. Việc này vô cùng lãng phí!". Luật lần này có hẳn một chương quy định chế tài như vậy, nhằm khắc phục những bất cập lãng phí về chủ trương đầu tư.
“Trước đây không có thẩm định vốn, giờ phải qua thẩm định, có tiền mới được làm. Phải đạt 80% nguồn tiền có, như vậy khi dự án khởi công sẽ có tiền giải ngân, nên không thể có chuyện con đường kéo dài tới 10 năm như bây giờ”.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Vinh khẳng định: Luật đầu tư công thông qua vào thời điểm này là vô cùng quan trọng. Nếu không sẽ không thể hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải được!