Chủ tịch Quốc hội: Mục tiêu nhập siêu giữ dưới 5% sẽ rất khó!
Góp ý vào bản báo cáo về tình hình Kinh tế xã hội năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016 tại phiên họp thứ 42 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải giữ ổn kinh tế vĩ mô, bám sát các chỉ tiêu. Tuy nhiên, quan trọng là giải pháp thực hiện bởi nền kinh tế của ta còn “chưa khỏe”. Thời gian tới có thể nhập siêu sẽ lớn lên. Việc đề ra mục tiêu nhập siêu giữ dưới 5% sẽ rất khó. Khi muốn thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế đồng nghĩa với việc phải nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu, phụ tùng…. Và việc mua hàng như vậy thì dự trữ ngoại tệ sẽ giảm. Dự trữ ngoại tệ xuống sẽ dẫn tới khó ổn định tỉ giá.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, muốn đỡ nhập siêu thì phải tập trung phát triển những ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Nhập siêu có thể khiến tỉ giá ngoại tệ bất ổn. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm tới nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát ở mức thấp và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn.
Các động lực tăng trưởng chủ yếu trong năm 2016 tiếp tục được phát huy: sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhờ giá đầu vào thấp và sức mua của thị trường trong nước tăng; Hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước có những cải thiện, nhờ tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn, xuất khẩu được đẩy mạnh nhờ thực hiện các hiệp định FTA, nhất là triển vọng ký kết TPP; khu vực FDI phát triển ổn định với khả năng cạnh tranh cao và nhờ thị trường ổn định, giá xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo của khu vực này không có biến động lớn; sức mua thị trường trong nước tiếp tục tăng, nhờ lòng tin vào phục hồi nền kinh tế, tăng trưởng cao, lạm phát thấp, việc làm và thu nhập của dân cư tăng; tăng trưởng đầu tư và tận dụng phát huy được năng lực sẵn có đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp khi triển khai, đưa các chế định của các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,... vào thực hiện trong đời sống kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, những khó khăn đối với sự phát triển kinh tế còn rất lớn. Giá dầu thô và giá nông sản thế giới giảm thấp và thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu và nguồn thu của NSNN; đặc biệt là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của nước ta vào thị trường này, trong điều kiện Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc.
Việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và việc ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA tạo ra những điều kiện quan trọng trong phát triển nhưng cũng gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn. Sự nắm bắt, hiểu biết về hội nhập cũng như tác động đến các hoạt động của nền kinh tế, đến đầu tư, kinh doanh của từng doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, trình độ công nghệ phổ biến còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, khả năng cạnh tranh thấp sẽ là những khó khăn rất lớn cho sự phát triển trong năm 2016, cần có các giải pháp chính sách để khắc phục cả trong năm 2016 và trong trung và dài hạn.
Báo cáo đề ra các chỉ tiêu trong năm 2016: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.