Chủ tịch Quốc hội: “Chất lượng tín dụng cực kỳ hệ trọng!”
![]() |
Chủ tịch QH phát biểu sau phiên chất vấn chiều 29/9 (Ảnh ND) |
Chủ tịch Quốc hội nêu tại phiên bế mạc chất vấn 2 Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình chiều 29/9.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường vụ lần này chọn 2 nội dung cực kỳ quan trọng để chất vấn là vấn đề TNMT và chính sách tiền tệ. Hai lĩnh vực này mà tốt thì chúng ta sẽ yên tâm bước vào năm 2015 và nhiệm kỳ 2016 – 2020 sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá sự chuyển biến tích cực của công tác quản lý tài nguyên môi trường với việc ban hành nhiều luật về đất đai, khoáng sản, tài nguyên môi trường…
“Tôi mong rằng chúng ta sẽ tạo ra chuyển biến tích cực để làm sao sử dụng được tài nguyên khoáng sản một cách có hiệu quả, đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thể hiện mong muốn và đưa ra những yêu cầu cụ thể, cấp thiết cần phải giải quyết luôn là việc cấp sổ đỏ cho người dân, đất nông lâm trường hay hộ gia đình cũng phải thực hiện. Việc khiếu nại tố cáo tồn đọng lâu năm cũng cầu giản quyết ổn thỏa và đừng để xảy ra nữa.
Đối với chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thành công đạt được thấy rất rõ: “Nếu chúng ta thực hiện tốt chất lượng của nền kinh tế thì nó sẽ quyết định đến tài chính tiền tệ và ngược lại. Hai mỗi quan hệ này gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu điều hành tài chính tiền tệ trục trặc một chút thì kinh tế sẽ ảnh hưởng, tái cơ cấu kinh tế không tốt, chất lượng nền kinh tế không tốt, dẫn đến làm ăn không tốt. Lúc đó sẽ tiêu hết tiền ngân sách, ngân hàng mà không trả được thì tình hình rất xấu”.
Tuy nhiên Chủ tịch cho rằng, mấy năm nay kế hoạch về chính sách tiền tệ đều có chuyển biến tích cực và đạt tới mức hợp lý trong năm nay. Để năm 2015, 2016 và 2020 thành công thì phải thúc đẩy tài chính tiền tệ, tiếp tục tái cơ cấu để 2015 có hệ thống tổ chức tín dụng tài chính lành mạnh theo đúng lời hứa của Thống đốc ở đầu nhiệm kỳ.
“Lành mạnh là thế nào? Là các tổ chức tín dụng cho vay mà không để lại nợ xấu, hoạt động theo cơ chế thị trường và có khả năng trích dự phòng để đảm bảo khi rủi ro xay ra. Tổ chức tín dụng của chúng ta đạt đến trình độ đó chưa? Các tổ chức tín dụng của chúng ta phải hoạt động theo chất lượng quốc tế. Giờ tiến tới bước này rồi, phải đi thêm một bước nữa…” – Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Bên cạnh đó việc điều hành chung phải bám sát tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội nhưng vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đưa được mức tăng trưởng năm 2016 – 2020 đạt trên 6 - 7% sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Do vậy, quá trình tái cơ cấu chính sách kinh tế, chính sách tài chính tín dụng phải gắn kết với nhau, để cuối năm 2015 có thể báo cáo Quốc hội đã có một tổ chức tính dụng tốt hơn, hoàn thiện hơn.
“Nợ xấu tăng lên mà chưa giải quyết được nợ cũ thì sẽ rất gay go nên phải tích cực xử lý nợ xấu. Nợ xấu bán được cho công ty mua bán nợ, nhưng vốn đơn vị này chỉ có 500 tỷ đồng, trong khi số nợ mua lên đến hàng trăm nghìn tỷ rồi. Đây cũng là một rủi ro. Nợ xấu đang ở đây chứ không ở các tổ chức tín dụng nữa. Chất lượng tín dụng cực kỳ hệ trọng, nó quyết định có tăng nợ xấu hay không, nợ xấu có thể giải quyết được hay không?!” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.