Chủ tịch QH: “Thử tìm xem có công trình nào không đội giá?”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: "Tôi không đồng ý điều chỉnh giá trúng thầu". (Ảnh: IT) |
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản ánh tình trạng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước kéo dài. Đây là một trong ba nguyên nhân khiến việc lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo về năng lực tài chính, kỹ thuật. Nhiều nhà thầu thắng với khối lượng lớn nhưng khả năng thực hiện lại không đạt. Ngoài ra còn có tình trạng ký hợp đồng với nhà thầu phụ với giá rất thấp khiến nhà thầu phụ không làm được, tình trạng bán thầu còn diễn ra. Thực tế trên khiến nhiều công trình vừa làm xong đã phải sửa chữa làm lại.
“Đang có tình trạng bỏ thầu thấp, rồi thi công kéo dài, đợi khi nào có thay đổi thì tăng giá. Việc sửa luật lần này phải đảm bảo lựa chọn nhà thầu đạt yêu cầu. Cần đưa ra hình thức xử phạt nặng hơn đối với những nhà thầu không đủ năng lực” – ông Hiển đề nghị.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tồn tại lớn nhất của luật đấu thầu hiện tại là tình trạng thông thầu và điều chỉnh tăng giá rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nói: “Chúng ta thử tìm xem có công trình xây dựng, công trình giao thông nào mà không đội giá? Công trình cứ dây dưa kéo dài để điều chỉnh giá. Đội giá vô cùng lớn khiến giá các công trình giao thông, xây dựng thuộc dạng đắt nhất thế giới.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí là đây, ruột của nó là đây. Nếu để thông thầu được là có tiêu cực tham nhũng. Lần này đưa ra QH phải khẳng định được luật này hơn luật cũ ở chỗ đó. Nếu không khẳng định được cái này thì QH không thông qua. Luật có đảm bảo không thông thầu không? Nếu có tình trạng này thì xử thế nào?”.
Lấy ví dụ về việc chậm bàn giao mặt bằng cho công trình cầu Nhật Tân, Bộ GTVT phải đền bù hơn 200 tỷ đồng cho nhà thầu Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Ai làm không được thì phải đền, chứ không có chuyện điều chỉnh giá tổng thầu".
Không đồng tình với quá nhiều loại giá quy định trong dự thảo luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Giá trúng thầu sẽ là giá cuối cùng. Đấu thầu 100 tỷ, thanh toán 100 tỷ, không cho điều chỉnh giá. Điều chỉnh giá liên tục, tiêu cực đầy ra đấy”.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ngắn gọn khi tham gia thầu: “Anh lỗ thì anh phải chịu. Tôi lỗ tôi phải chịu. Tôi đề nghị trong hồ sơ mời thầu phải cột lại tất cả các điều kiện”. Và ông Phước cho rằng nếu làm tốt việc này sẽ là “thanh bảo kiếm” đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và xây dựng đội ngũ công chức hiệu quả.
Trước đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng Luật đấu thầu “rất phức tạp”, việc giải quyết triệt để được tình trạng thông thầu, đổi giá, điều chỉnh giá là vấn đề “rất đại sự”. Tuy nhiên ông Sinh cũng hứa sẽ phối hợp với các bên để chỉnh lý soạn thảo, đưa ra luật hoàn chỉnh nhất để có thể hạn chế những tiêu cực đã nêu.