Chủ tịch nước: “Bàn giao khóa sau để giờ anh đi chơi à? Nói tắc trách ghê gớm!”
“Cách làm như vậy đã cho thấy được trách nhiệm của người đứng đầu” – cử tri Nguyễn Thị Nguyệt nói. Tuy vậy ngay sau đó và Nguyệt cũng nêu quan điểm rằng: “Bộ trưởng của tôi có nói chuyện đu đưa cho mọi người cười (Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hoàng Tuấn Anh) thì quả thật cái đó nó cũng đánh giá nhiệm kỳ vừa qua – cái suy thoái về văn hóa”.
Chủ tịch Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc ngày 5/12. |
Trong khi đó cử tri Nguyễn Trung Dũng cũng cho rằng qua trả lời chất vấn đã thấy có những Bộ trưởng có tư tưởng “cuối chầu”. “Tôi muốn nói với bộ trưởng rằng thời gian còn lại (của nhiệm kỳ) hãy tâm huyết với công việc để không phụ lòng tin của người dân.
Các thủ tục hành chính và cung cách quản lý của một số cơ quan nhà nước cũng là vấn đề được các cử tri nêu ra. Cử tri Trịnh Mỹ Ngọc cho biết bà xin một giấy phép xây dựng nhưng tới 16 tháng vẫn chưa xong và việc này đã khiến bà mất đi 100 triệu mỗi tháng (số tiền có được nếu cho thuê) và nhà nước mất đi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong phần trả lời ngay sau đó Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về các nội dung được chất vấn.
Đề cập đến vấn đề “cuối chầu” Chủ tịch nước khẳng định: “Không thể nói là bàn giao lại khóa sau. Anh còn cả năm trời đó anh phải lo làm đi. Bàn giao khóa sau để giờ anh đi chơi à? Nói tắc trách ghê gớm”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Ngày mai nghỉ, chiều nay nghỉ thì bây giờ phải làm. 5g chiều nghỉ thì 5g kém 5 phút, kém 1 phút vẫn phải làm, chứ không phải còn mấy phút là đi chơi. Đó là trách nhiệm của anh mà?”.
Chủ tịch nước cũng cho biết ông vẫn thường nói với các lãnh đạo trong Bộ chính trị, và cả Trung ương Đảng là: “Khóa sau mà có kém thì trước hết phê phán họ và phải thừa nhận rằng cái kém đó có phần trách nhiệm của mình. Không thể nói chúng tôi ngon lắm còn các đồng chí kém, đó là tiền lệ không hay. Nó phải có trách nhiệm ban đầu”.
Trong khi về lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý nhà nước ông Sang cũng cho rằng ngày càng yếu kém.
“Còn quá nhiều vấn đề, động đến ngành nào, lĩnh vực nào cũng có vấn đề. Trong khi đó quy mô của nền kinh tế mới 200 tỷ USD, đến khi 500 hay 1.000 tỷ USD mà quản lý như thế này thì nguy hiểm, đổ vỡ chứ không đơn giản” – ông nói.
“Thành quả đổi mới là đáng mừng nhưng cũng phải mở ngoặc rằng nợ công đang tăng lên rất nhanh. Tại sao nhiều nước đã công nghiệp hóa thành công nhưng nợ công tăng không nhanh như chúng ta? Đó là do quản lý kém! Chúng tôi đã chấn chỉnh nhưng rõ ràng kết quả mang lại chưa đạt được sự mong muốn của chúng tôi và của bà con” – ông tiếp tục.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ một câu chuyện của chính ông để cho thấy rằng cách thức quản lý và thái độ làm việc của bộ máy rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến công việc như thế nào:
“Ở thành phố này tôi đã làm một lần rồi, khi đó tôi là Bí thư Thành ủy, ông Hai Nhựt (ông Lê Thanh Hải hiện là Bí thư Thành ủy) là giám đốc sở. Trước khi thử tôi đã nói rõ ý đồ rằng: “Ông chỉ huy việc này bên sở ông và một ngày phải xong!
- Làm gì xong nổi anh? Kinh khủng lắm! – ông Hai Nhựt nói
- Ông cứ làm thử đi!
Vậy mà sáng tới chiều xong! Gặp tôi ông ấy mệt lả người, ôm cái cặp mà hồ sơ dày tới mức không đóng lại được.
“Đây nè anh, xong rồi, anh xem nè! Mệt muốn chết!”.
Khi đó tôi mới nói: “Thôi! Không thèm xem, ông suy nghĩ đi, ông thấy bộ máy mình sao?”.
Vấn đề là không chịu làm việc! Nếu làm việc thì từ sáng tới chiều xong, còn không làm thì để cả tuần cả năm…