Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Phải làm rõ việc phê duyệt thẩm định dự án Formosa
Sáng nay (11/7), thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, nhiều đại biểu đã tập trung vào vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc thời gian qua, hậu quả để lại vẫn còn rất nghiêm trọng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là thủ phạm xả thải gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là “một thắng lợi lớn”. Tuy nhiên, Chính phủ không nên dừng lại ở đó mà phải rà soát, làm rõ nguyên nhân khách quan trong phê duyệt thẩm định dự án để khắc phục hậu quả triệt để.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường (DTM) cũng được phê duyệt rất nhanh. Sau khi nhà đầu tư được cấp phép đưa ra nhiều “yêu sách”, cũng được đáp ứng rất nhanh. Để rồi sau đó gây ra sự cố cũng… rất nhanh.
“Với dự án đầu tư nước ngoài cấp phép tới 70 năm trên diện tích lớn, địa bàn nhạy cảm thì có cần phải tính toán điều chỉnh quy mô dự án, điều chỉnh lại ưu đãi hay không?", ông Hà Ngọc Chiến đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiếnphát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phải kiên quyết làm rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng tương tự với các dự án khác, lấy lại lòng tin của cử tri, người dân.
“Với những dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn có nên nâng cấp phê duyệt dự án ở cấp trung ương, thay vì địa phương và đưa những loại dự án này vào diện công trình dự án trọng điểm quốc gia?”, ông Chiến nêu quan điểm.
Nêu ý kiến về vụ việc Formosa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, ô nhiễm thường là xả ra biển, sông, xả khí lên trời, xả vào đất. Do đó, phải rà soát các lưu vực sống có KCN, nhà máy…
Theo bà Nga, phải đánh giá lại các DTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) của các dự án này, đây là "barie" quan trọng đầu tiên để ngăn cản các vấn đề về môi trường xảy ra. Nhưng thực tế, có nhiều DTM được copy, cắt dán từ các dự án khác nhau.
“Một là phải rà soát, đánh giá tác động rất sâu sau sự cố Formosa và báo cáo trước Quốc hội. Đồng thời, rà soát lại các báo cáo DTM tại các dự án nghi có vấn đề gây ô nhiễm môi trường, xem các bản đánh giá này có đáp ứng được nhu cầu không?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp kiến nghị.
Bức xúc trước sự cố môi trường mà Formosa Hà Tĩnh gây ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt câu hỏi: Vấn đề ô nhiễm môi trường bao giờ khắc phục được? Nếu không giải quyết được thì khi vấn đề gì xảy ra người dân sẽ có ý kiến. Riêng Formosa là vấn đề tiềm ẩn lâu dài, nếu không có dự kiến lường trước, tình hình sẽ rất phức tạp. Đây không chỉ đơn giản là kinh tế mà còn gắn với quốc phòng, an ninh….
Trước đó, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, khi cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra Formosa, có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, chuyển giao quản lý, hầu hết nhà thầu là Trung Quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện ra 53 hành vi vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công. Trong 53 hành vi vi phạm có hành vi đặc biệt quan trọng, đó là hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ cốc khô- công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt, là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải.