Chủ tịch HĐND TP.HCM khen hướng dẫn viên du lịch miền Bắc, miền Tây
Bà Nguyễn Thị Lệ: "Chúng ta cần một tổng chỉ huy để kết nối các di tích thành những điểm tham quan của thành phố”. |
Nêu ra hạn chế trong công tác này, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho rằng, có những quy hoạch giao thông, đô thị đã trùm lên các khu di tích. “Quy hoạch khu trung tâm 930ha rất lớn, bao cả quận 1, 3 – là những nơi có nhiều di tích kiến trúc đặc sắc, nhưng trong quá trình làm chúng ta chưa quan tâm nhiều nên có ảnh hưởng” – bà Lệ nói.
Trong khi đó, với các di tích do cá nhân quản lý TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc đào tạo chuyên môn bởi “họ không phải cán bộ công chức, và đây là nhà người ta”. Theo bà Lệ, đây là một nguyên nhân khiến các di tích không kết nối được vào chuỗi các điểm du lịch.
“Trách nhiệm của Ủy ban như thế nào, Ủy ban giao ai thực hiện việc này và có phương hướng, kế hoạch ra sao. Chúng ta cần một tổng chỉ huy để kết nối các di tích thành những điểm tham quan của thành phố” – bà Lệ cho hay.
Một điểm nữa bà Lệ cho rằng, cần làm rõ là quyền lợi của người dân có công trình được công nhận là di tích. “Phải để người dân thấy họ được cái gì ở đây. Chúng ta khai thác làm sao để người chủ có lợi, còn TP phát triển được du lịch” – vị Chủ tịch HĐND gợi ý.
Về thực trạng các bảo tàng hiện nay, bà Nguyễn Thị Lệ nhận định do TP đang tận dụng lại các dinh thự cũ nên rất khó trong quản lý và lưu trữ các hiện vật.
Nói về việc tác phẩm sơn mài được coi là “bảo vật quốc gia” tại Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại sau khi vệ sinh bằng nước rửa chén, bà Lệ cho biết “rất đau lòng”, mà một phần là dophân công... quản lý chưa rõ.
Một khía cạnh khác trong việc bảo tồn được bà Lệ đề cập là các hướng dẫn viên thuyết minh cho công trình đang thiếu và yếu. Theo bà Lệ, tại TP.HCM việc này dù “anh em có nhiều cố gắng nhưng phải chuyên nghiệp hóa hơn”.
“Phía Bắc và Miền Tây thuyết minh rất hay. Họ không thuộc lòng mà rất nhập tâm, điều đó giúp người nghe cảm nhận. Tôi nhớ lần ra di tích Chuông Bồn (Nghệ An), nghe các em thuyết minh mà nổi da gà. Phải có cái hồn, phải yêu nghề và tình cảm lắm mới thu hút được như vậy” – bà Lệ kể lại.
Cũng trong buổi làm việc này, Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết “có những công trình đã không còn hình dáng biệt thự” mà đã phân lô, thành nhà ở, vì vậy Sở đã phải đề xuất TP cho phép quản lý như những công trình bình thường.
Tuy nhiên, TP đang sợ có “biến tướng” trong hoạt động này nên đã "rất kỹ lưỡng” và chỉ cho phép báo cáo từng trường hợp, do vậy việc xử lý kéo dài. Theo ông Thắng, nếu có thể gộp lại thì Sở sẽ cấp phép như bình thường, như vậy sẽ đỡ cho người dân.
Theo số liệu thống kê, hiện TP.HCM có 13 bảo tàng với khoảng 200.000 hiện vật, trong đó có 15 bảo vật quốc gia. Ngoài các hiện vật được hiến tặng, sưu tầm, hàng năm TP bố trí khoảng 10 tỷ đồng để mua thêm.
Với di tích, hiện TP.HCM có 172 công trình đã được xếp hạng và 100 công trình đang thuộc danh mục kiểm kê. Từ năm 2009 đến nay TP.HCM đã bố trí kinh phí hơn 500 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Cũng trong thời gian này, số tiền TP vận động được từ nguồn xã hội hóa là 400 tỷ đồng.