Chồng cũ chỉ thương con cho đến khi... có bạn gái mới
Con tôi chỉ bắt đầu chịu cú sốc ly hôn khi ba có bạn gái mới.
Tôi và chồng cũ chia tay trong vui vẻ, văn minh. Vì đã ly thân trước đó 2 năm, nếm trải cảnh mỗi người một hướng nên tôi khá yên tâm về trách nhiệm của anh với con cái.
Anh rất thương con. Trong thời gian ly thân, anh vẫn tận tình đưa đón con đi học, lo cho con từ cái áo cái quần cho đến miếng ăn giấc ngủ. Dù công việc bận bịu và không giao tiếp nhiều với tôi, nhưng anh vẫn nắm rõ lịch sinh hoạt, tình hình sức khỏe và cả những mối quan tâm của con cái. Anh có thể vì bận mà lờ đi tin nhắn của tôi. Nhưng chỉ cần nội dung có liên quan đến con thì anh luôn phản hồi trong tích tắc.
Tôi từng tự tin nói với mọi người rằng cuộc chia ly của mình không ảnh hưởng đến con. Bởi dù sống riêng, anh vẫn dành thời gian cho tụi nhỏ.
Chồng cũ đưa bạn gái đi cùng mỗi lần đón con đi chơi (Ảnh minh họa) |
Sự thật đã diễn ra như vậy, cho đến khi anh có bạn gái mới. Sự thay đổi bắt đầu khi anh đón con cùng bạn gái, rồi đưa con đi ăn, đi chơi với sự có mặt của người phụ nữ ấy.
Lần đó, bé lớn nhà tôi (12 tuổi) về tâm sự rằng con chỉ muốn gặp ba, hoặc ba đi cùng mẹ, chứ không thích ba có cô khác. Tôi xót con, nhưng cũng giảng giải cho con hiểu rằng ba đang có bạn mới, và có thể sẽ gắn bó lâu dài với cô bạn ấy.
Tưởng "cú sốc ly hôn" chỉ đến với con tôi theo cách đó. Nhưng không, anh bắt đầu trở nên tính toán, dè sẻn từng chút thời gian dành cho con. Trước đây, chỉ cần tôi báo bận, anh luôn nghĩ cách để đón rước bọn trẻ. Nhưng bây giờ, anh nói chỉ đón được vào 2 ngày đầu tuần, và cũng nói luôn rằng anh từ chối giúp tôi nếu tôi đến lịch đón con mà kẹt việc.
Tôi dặn mình phải làm quen với việc này, bởi đó là chuyện dễ hiểu khi không còn là vợ chồng. Tôi bỏ qua anh trong danh sách những người mình sẽ nhờ chăm con nếu gặp sự cố.
Dần dà, chính bọn trẻ cũng nhận ra rằng ngoài việc đưa đón 2 ngày mỗi tuần, anh dần bỏ mặc hết những chăm sóc không tên mà anh vẫn làm trước đó. "Sao ba không dẫn con đi nhà sách?", "lâu rồi ba không cho con ăn mỳ cay?", "dạo này ba toàn đón xong thì đưa thẳng con về nhà, không dắt con đi chơi nữa"... Hai đứa trẻ lần lượt nhắc những quyền lợi mà ba từng thường xuyên tạo cho chúng.
Trước đó, khi tôi luôn đầu tắt mặt tối với việc làm công ăn lương của một kế toán ở ngân hàng, thì anh luôn dành thời gian để giúp con có những trải nghiệm như đi nhà sách, đi nhà hàng sang trọng... Bởi theo anh, đó là trải nghiệm xã hội cần thiết cho mọi đứa trẻ.
Những ngày gặp ba vào cuối tuần cũng dần thất thường. Anh hay "bận", "có việc riêng" để không qua đón con. Chất lượng của từng lần gặp gỡ cũng giảm sút. Bọn trẻ trước đây rất mê ba, luôn thèm được ở bên ba. Thế nhưng bây giờ, sau những lần hiếm hoi tiễn con sang ba, tôi hay được con nhắn về: "Mẹ ơi, con muốn về với mẹ!".
Bọn trẻ hay than thở rằng, trong những lần đón con sang nhà, anh chỉ ôm điện thoại, rồi có khi còn cáu gắt với con. Anh như trở thành người khác trong mắt bọn trẻ. Trong khi bao năm nay anh luôn khẩn cầu tôi: phải kiềm chế và vui vẻ trước mặt con cái. Anh luôn nói rằng ta không thể bên con cả ngày, nhưng hãy cực kỳ vui vẻ và tập trung khi ở bên con. Anh luôn lên án việc ôm điện thoại trước mặt con cái, thậm chí từng tranh cãi với tôi khi tôi về đến nhà vẫn ôm máy tính làm việc.
Có lẽ, nhận thức của người đàn ông không quan trọng bằng mức độ quan tâm của anh ta với người đó, việc đó. Trước đây, các con là gia đình của anh. Còn bây giờ, anh còn cả một gia đình tương lai cần phải lo với người mới. Trước đây, anh dồn phần nhiều sự quan tâm cho con, nhưng khi mối quan tâm đã bị chia nhỏ thì hành động cũng khác.
Tôi nhận ra rằng, ly hôn nhưng không ảnh hưởng đến con cái thật ra chỉ là một ảo tưởng. Một khi đã nhận nuôi con sau ly hôn, ta cần biết trước rằng rất có thể sẽ có ngày gánh nặng trách nhiệm sẽ dồn về phía mình. Bởi, sự tận tâm của đàn ông (hoặc có thể là cả phụ nữ) hầu như sẽ giảm sút, khi người ta bắt đầu có tình riêng...
Thu Thủy (Hóc Môn, TP.HCM)
Bị bạn bè chê ngu dại khi chồng mỗi tháng đưa 50 triệu mà vẫn muốn ly hôn
Cuộc sống gia đình không đơn giản chỉ gói trong một chữ “giàu”. Không ít gia đình càng giàu của cải, càng bất hạnh.
Theo www.phunuonline.com.vn