Cho thuê lại lao động: dao hai lưỡi (?!)
Hoạt động cho thuê lại lao động, hay lao động phái cử nghĩa là người lao động do doanh nghiệp này tuyển dụng nhưng lại được “gửi” đến làm việc tại một doanh nghiệp khác. Đây được coi là một hình thức lao động phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Khảo sát do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, lao động phái cử không chỉ tồn tại ở các công việc đơn giản, mà còn có ở nhóm lao động lành nghề có chuyên môn cao.
Loại hình lao động “gửi” cũng khá rộng, từ nhân viên an ninh, khuôn vác, giúp việc gia đình, dịch vụ nhà hàng…tới phiên dịch, kế toán, marketing, quản lý nhân sự, kỹ sư điện…
Mô hình "gửi" lao động giữa các doanh nghiệp được chuyên gia ILO đánh giá như một "con dao hai lưỡi" cần phải thận trọng. Ảnh NLĐ |
Mô hình này khá phổ biến ở các khu công nghiệp phía Nam, gần đây đã xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng tại TP HCM đang dẫn đầu, điển hình một số doanh nghiệp có quy mô lên tới 2.000 lao động, với mức phí dịch vụ từ 15 – 25% lương của người lao động.
Ông Yoon Youngmo cố vấn trưởng về quan hệ lao động (Tổ chức lao động Quốc tế tại Việt Nam - ILO) cho rằng, việc đưa lao động phái cử vào Bộ luật Lao động sửa đổi là một “bước đi bắt buộc” cho một hoạt động vốn đã phổ biến và đang trở thành một “xu hướng toàn cầu”.
Mô hình này được xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các công ty này đều có chủ trương chỉ duy trì số lượng lao động cố định ở mức tối thiểu. Khi cần tăng cường lao động, họ sẽ tìm đến lực lượng lao động ngắn hạn.
Luật hóa hình thức lao động mới này có thể giúp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là đối với kế hoạch sử dụng lao động linh hoạt. Doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh nhu cầu lao động trong thời gian ngắn và tiết kiệm chi phí tuyển dụng cũng như những chi phí hành chính khác” – ông Yoon Youngmo nhận định.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, cố vấn về quan hệ lao động cũng cảnh báo nguy cơ “tiềm ẩn nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng tới chất lượng việc làm, đặc biệt trong bối cảnh thực thi luật và năng lực thanh tra còn hạn chế”.
Ông Yoon Youngmo phân tích, người lao động trong trường hợp này “dễ bị bóc lột và lạm dụng”. Người lao động bị hạn chế bảo hiểm xã hội, không đảm bảo về công việc cũng như ít có cơ hội được đào tạo so với lao động trực tiếp.
“Ở nhiều nước châu Á, người lao động cho thuê phải nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lao động trực tiếp. Ngoài ra họ còn phải chịu điều kiện làm việc không đảm bảo và bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã thấy rõ những khó khăn trong việc thực hiện cho thuê lại lao động” – ông Yoon Youngmo cảnh báo.
Qua khảo sát của ILO thực tế tại Việt Nam ở một số vấn đề: trả lương đúng hạn, làm việc quá giờ, thời giờ làm việc, bảo hiểm… toàn bộ những vấn đề này cả doanh nghiệp cho thuê lẫn doanh nghiệp sử dụng lao động này đều không chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, vị cố vấn của ILO cũng cho rằng Việt Nam có thể mở rộng lao động phái cử sang các loại hình công việc khác, nhưng phải rất thận trọng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.