Chợ cá giữa biển khơi
Thu mua cá ở Biển Đông. Ảnh: Ngọc Hiển |
Lợi đôi đường
Tuổi đời hơn 45, nhưng anh Trần Văn Hải ở Thuận An đã có hơn 20 năm theo nghề với tàu đi biển công suất lớn… Sau nhiều chuyến đi biển, anh Hải nhận thấy nhiều bất cập của các tàu thuyền ra khơi xa đánh bắt. “Bà con mình đánh được hải sản tươi, nhưng chờ đầy tàu mới vào bờ thì cá ươn hết, hải sản mất giá trị, bị ép giá. Ngược lại, nhiều tàu thuyền đánh bắt sau một đêm mà vô bờ thì hôm sau họ ra không kịp, luồng cá sẽ đi mất. Cũng có nhiều trường hợp vươn khơi dài ngày đến khi phát hiện luồng cá thì nhiên liệu và lương thực đã cạn kiệt… Do đó buộc mình phải tính đến việc ra đến tận nơi “tiếp tế” giúp các tàu, anh Hải chia sẻ. Sau các “phiên chợ”, trừ chi phí chuyến đi thu lãi từ 90 - 130 triệu đồng và đáp ứng được các nhu cầu ngư dân đi biển vươn khơi dài ngày.
Để nâng cao hiệu quả, anh Hải dốc vốn đầu tư nâng cấp tàu TTH 96013 từ 300 CV lên 417 CV, tăng cường đi biển cung ứng dịch vụ mỗi tháng 2 chuyến (tùy theo thời tiết), lần cung cấp hàng nhiều nhất vừa đủ nhu cầu cho 3 tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, anh đã hoàn thiện mô hình tổ tàu dịch vụ hậu cần của gia đình gồm 4 chiếc, công suất từ 400CV đến 750CV, có thể cung ứng ở các vùng biển từ gần bờ đến xa khơi như tại ngư trường Hoàng Sa.
Các chuyến đi biển của đội tàu gia đình anh Hải ra ngư trường ở Hoàng Sa, được xác định thông qua thiết bị định vị ECOM do lực lượng Biên phòng trang cấp. Mỗi chuyến phải mất 3-4 ngày lênh đênh mới đến các điểm diễn ra “phiên chợ” giữa biển. “Đêm giữa biển, các tàu sáng đèn lên, nhìn từ xa cứ như phố thị. Tàu nào cũng có máy phát điện thắp sáng gần 30 bóng đèn 1.000w, hút cá tới. Đã có mẻ cá qua máy quét báo hiệu lên đến hơn 40 tấn, đội tàu thuyền đoàn kết liên lạc các tàu thành viên khoanh vùng cùng đánh bắt, làm sôi động hẳn cả một vùng biển lớn” – anh Hải kể.
Hiện tại, Hiệp hội dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An đã phát triển lên 25 tàu, công suất từ 400 CV đến 800 CV, mỗi tàu tạo việc làm cho 10 – 15 lao động có thu nhập khá ổn định. Nhiệm vụ của các tàu là luân phiên cung ứng dịch vụ trên biển, nhất là ngư trường ở Hoàng Sa. Nhiều tàu đảm nhận tham gia “phiên chợ” giữa biển đến 28 Tết mới về đất liền (tùy vào thời tiết), và có tàu mồng bốn Tết đã ra khơi tham gia “phiên chợ” đầu năm.
Cùng với gia đình anh Hải, trên địa bàn thị trấn Thuận An còn có các tổ tàu mẹ - tàu con làm dịch vụ hậu cần trên biển của các gia đình khác như anh Dương Văn Ngà với 3 tàu lớn có công suất 500CV; hay như ngư dân Huỳnh Văn Hòa, vừa đóng mới thêm tàu công suất 525 CV, trị giá 2,5 tỷ đồng, khoang chứa có thể thu mua 15 – 16 tấn cá, đi một chuyến có thể gom hàng của nhiều tàu cá, lợi cả hai phía… Đây được coi là các “tiểu thương” của “phiên chợ” giữa biển, giúp cho giá cả sản phẩm của ngư dân đánh bắt được ổn định, đem lại lợi nhuận cao hơn.
Anh Ngô Đức Sương, một chủ tàu lớn đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, ở tại thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang) bộc bạch: “Các doanh nghiệp thu mua hải sản yêu cầu chất lượng rất khắt khe, ngư dân đánh bắt dài ngày mà không có tàu dịch vụ đưa hàng vào bờ, chất lượng hải sản sẽ giảm, đồng nghĩa với việc bị ép giá. Nghề dịch vụ hậu cần trên biển không chỉ giúp ngư dân bám biển khai thác dài ngày, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hải sản khai thác, mà còn giúp cơ sở thu mua chủ động được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến”.
Bám biển, giữ chủ quyền
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Vang - Đoàn Thao, cho biết: “Hiện tại, ở các xã Phú Thuận và Phú Hải hầu hết ngư dân đều đầu tư phát triển tàu đánh bắt xa bờ, thì ngược lại ở Thuận An hình thành các đội tàu thu mua và cung ứng dịch vụ hậu cần, bao tiêu sản phẩm ngay trên biển. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. So với các nghề khai thác khác trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá là ngành nghề cần sự đầu tư nguồn vốn lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, từ sự tiên phong của người dân, huyện đã có những định hướng hỗ trợ để nghề này có thể phát triển bền vững hơn trên địa bàn”. Những năm trở lại đây, nhiều chính sách đã tiến hành hỗ trợ nâng cấp khu cảng cá Thuận An, khu neo đậu và các khu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn huyện Phú Vang. Đây là tiền đề để hỗ trợ cho ngư dân phát triển nghề đi biển cũng như nghề dịch vụ hậu cần tương xứng…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Trần Nguyên Hùng, để kinh tế biển phát triển bền vững, ngoài chú trọng khai thác hải sản, các địa phương có tiềm năng về nghề biển cần có kế hoạch chuyển đổi từ nông, ngư nghiệp sang các loại hình thương mại và dịch vụ trên biển. Theo đó, ngành thủy sản sẽ hướng ngư dân đến một mô hình kinh tế biển khép kín từ khai thác, thu mua, đến chế biến.
QUỐC TUẤN/Báo Thừa Thiên Huế