Chính quyền Syria khước từ gặp mặt phe đối lập ở Geneva 3
Trong phát biểu của mình, ông Bashar Ja’afari không nhắc tới tên của ông Mohammed Alloush. Thậm chí, ông Ja’afari còn gọi ông Alloush là “tên khủng bố”, bất chấp việc ông Alloush là nhân vật quyền lực của nhóm Quân đội Hồi giáo và là người đại diện của Hội đồng Thương thuyết Tối cao, được Ả Rập Saudi hậu thuẫn.
Nói với giới truyền thông ngày 16/3, sau cuộc gặp với phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Syria, ông Ja’afari tố cáo ông Alloush là thành viên của nhóm khủng bố được mệnh danh là “sứ thần của những vụ đánh bom” và “đã phạm tội ác sát hại sinh viên các trường kỹ thuật”. Ngoài các cáo buộc này, ông Ja’afari không cho biết thêm thông tin.
Ông Ja’afari đặt điều kiện, đàm phán trực tiếp với đại diện phe đối lập chỉ diễn ra khi ông Alloush không tham dự hòa đàm và có lời xin lỗi về những gì đã làm.
Ông Bashar Ja’afari, trưởng đoàn đàm phán của Syria tại Geneva. Nguồn: AP |
Kể từ các cuộc tiếp xúc trước đàm phán, phái viên của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã rất nỗ lực để xúc tiến cuộc gặp riêng rẽ giữa đại diện chính phủ và phe đối lập ở Syria, trong đó có cả ông Mohammed Alloush.
Trong một diễn biến liên quan đến cuộc hòa đàm Syria ở Geneva, ông Nawaf Khalil, thuộc Đảng Đoàn kết Dân chủ của người Kurd ở Syria bày tỏ, lực lượng này không vận động để thành lập một khu vực giành riêng cho người Kurd nhưng muốn áp dụng mô hình liên bang trên lãnh thổ Syria. Theo đó, miền Bắc nước này sẽ được phân chia thành các khu vực giành cho người Kurd, người Turk và người Arab.
Ngay lập tức, Đại sứ Syria ở Liên Hợp Quốc đã bác bỏ kế hoạch của người Kurd ở Syria về việc thiết lập cơ chế liên bang ở miền Bắc nước này. Ông Ja’afari cho rằng, bất kỳ hình thức chia rẽ nào cũng dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Syria.
Trong cuộc họp báo trả lời phóng viên, ông Ja’afari bỏ ngoài tai câu hỏi về khả năng ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria được nhen nhóm sau 5 năm chiến tranh tại đất nước này. Giải pháp thương lượng đã quay trở lại sau khi tình hình chiến trường Syria có nhiều thay đổi, nhất là sau hoạt động tham chiến của Nga, kể từ cuối tháng 9/2015.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ cho rút phần lớn lực lượng không quân khỏi Syria. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc không kích, tấn công IS, đẩy lui lực lượng này, tạo điều kiện cho quân đội Syria tái chiếm những vị trí then chốt trên chiến trường.
Hành động rút quân của Nga được giới phân tích đánh giá là để tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm diễn ra.