Chính phủ Thái Lan sắp ban bố tình trạng khẩn cấp
Mặc dù, quy mô của các cuộc biểu tình đã có xu hướng giảm, xong phe đối lập vẫn đang chiếm đóng một vài tòa nhà chính phủ, buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức và khiến giao thông tại thủ đô Bangkok tê liệt. Trong ngày hôm nay, những người biểu tình đã tiến hành bao vây Ngân hàng tiết kiệm chính phủ.
Người biểu tình Thái Lan hiện vẫn chiếm đóng nhiều tòa nhà chính phủ tại thủ đô Bangkok |
"Chúng tôi chuẩn bị áp dụng lệnh khẩn cấp. Mọi quan chức thuộc lực lượng cảnh sát, quân đội và chính phủ đang nghiêm túc cân nhắc khả năng này xong quyết định cuối cùng chưa được công bố", Tướng Paradorn Pattantabutr thuộc Hội đồng An ninh quốc gia trả lời hãng tin Reuters sau cuộc họp với Thủ tướng Yingluck.
"Trong khi đó, những người biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục phong tỏa các tòa nhà chính phủ. Nếu họ chiếm đóng các ngân hàng và tòa nhà chính phủ trong một thời gian dài, chúng tôi sẽ ban bố luật khẩn cấp", ông Paradorn nói thêm.
Luật khẩn cấp cho phép các cơ quan an ninh nắm toàn quyền áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ các nghi phạm mà không cần truy xét tội danh, kiểm soát truyền thông và cấm các nhóm tụ tập quá 5 người.
Trong 2 ngày từ 17 và 19/1, một người chết và hàng chục người khác bị thương sau khi những quả lựu đạn bất ngờ được ném vào đoàn biểu tình ngay tại thủ đô Bangkok.
"Tôi nghĩ những vụ tấn công này nhằm kích động phản ứng quân sự", Paul Chambers - Giám đốc Viện Nghiên cứu Ngoại giao Đông Nam Á tại Chiang Mai nhận định.
Cũng theo ông Paul, đây có thể là lý do khiến Ủy ban bầu cử Thái Lan từ chối giám sát cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới do Thủ tướng Yingluck đề xuất song bị phe đối lập bác bỏ.