Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật về tái chế rác thải nhựa
Tại cuộc họp nội các ngày 9/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên nhựa với mục tiêu giảm lượng xả thải và đẩy mạnh việc tái chế rác thải nhựa trong những năm tới đây.
Dự luật kêu gọi tăng cường các biện pháp liên quan trong quá trình sản xuất, bán hàng và tái chế các mặt hàng làm từ nhựa. Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi nhấn mạnh, dự luật nhằm “tạo ra một xã hội không rác thải nhựa vào năm 2050”.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng tạo ra một xã hội không rác thải nhựa vào năm 2050. (Ảnh minh họa) |
Mục tiêu quan trọng của dự luật mới là thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên nhựa, cắt giảm khối lượng sử dụng sản phẩm nhựa một cách tổng hợp từ giai đoạn thiết kế sản phẩm đến giai đoạn bán hàng, thu hồi và tái chế. Các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ được yêu cầu cắt giảm các sản phẩm sử dụng một lần như ống hút, thìa, dĩa… thông qua chuyển đổi chất liệu sử dụng hoặc áp giá sản phẩm.
Các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, khách sạn… cũng được yêu cầu áp dụng biện pháp phù hợp như tính phí hoặc hỏi ý kiến khách hàng về việc sử dụng các sản phẩn nhựa như ống hút, thìa… Các doanh nghiệp thải ra chất thải nhựa cũng có nghĩa vụ cắt giảm lượng chất thải này và thúc đẩy hoạt động tái chế.
Đối với các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, Chính phủ Nhật Bản có thể đưa ra khuyến cáo hoặc mệnh lệnh hành chính, trường hợp không tuân thủ có thể bị phạt tiền với mức dưới 500.000 yen (4.600 USD).
Theo dự luật này, một hệ thống sẽ được ban hành với các hướng dẫn về môi trường để các doanh nghiệp tuân thủ khi thiết kế và sản xuất các mặt hàng nhựa. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng nhựa và thúc đẩy việc chuyển đổi sang sử dụng các vật liệu không làm từ nhựa.
Dự luật này sẽ được trình tại phiên họp Quốc hội Nhật Bản đang diễn ra và dự kiến có hiệu lực kể từ năm 2022 nếu được thông qua.
P. Liên