Chim yến chết bất thường, quy chế vẫn đang lấy ý kiến
Hộ nuôi yến tìm cách né tránh
Có mặt tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè trong những ngày này vào những buổi trưa nắng nóng, cộng thêm tiếng loa dụ chim yến phát ra những tiếng kêu rất khó nghe. Một người dân sống gần đường Lê Văn Lương bức xúc: “Suốt ngày chúng tôi phải nghe những tiếng ồn rất chói tai, chưa kể việc chim yến phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Nhất là vào những buổi chiều, chim yến vẫn bay về đen kín cả một vùng trời, trong khi thông tin về dịch cúm H5N1 tại Ninh Thuận khiến chúng tôi rất lo ngại khi phải đối mặt với dịch bệnh đang lơ lửng trên đầu”.
Chim yến vẫn bay đầy trời |
Tuy nhiên, để liên hệ được với người chủ nuôi yến lại vô cùng khó khăn, bởi họ thường lách bằng cách thuê người đến trông coi nhà, còn bản thân thì “mất tăm mất tích” đâu không ai rõ. Vì vậy, khi đến tìm gặp được chủ những hộ nuôi yến trong thời điểm nhạy cảm là đang có cúm H5N1 trên chim yến tại một số tỉnh, PV chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi chỉ là người trông coi nên sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào”. Thậm chí, khi đã liên lạc được với một số chủ nuôi yến bằng nguồn tin riêng của mình, PV vẫn nhận được những câu trả lời kiểu né tránh: “Chuyện qua lâu rồi, đừng hỏi nữa”.
Không riêng gì tại huyện Nhà Bè, nhiều hộ nuôi yến tại Q.8 vẫn nuôi yến tự nhiên trong lúc dịch cúm gia cầm đang bủa vây. Đây đều là những hộ nuôi tự phát, biến nhà ở trong khu dân cư đông đúc thành nhà nuôi chim yến bằng cách, tận dụng cải tạo phần sân thượng, mái của căn nhà họ đang sống thành nhà nuôi chim yến.
Bà H, ngụ Q.8 nói: Không hiểu sao một nhà nuôi yến không được cấp phép vẫn ngang nhiên nuôi chim yến từ nhiều năm nay. Có vài lần cơ quan chức năng tại địa phương có đến nhưng vẫn lừng khừng không dẹp nên họ vẫn hoạt động cho tới giờ. Điều đáng nói là nhà yến này nằm đối diện với trường mầm non Tuổi Hoa, nơi có rất đông trẻ nhỏ, sức đề kháng kém và dễ bị bệnh nếu như đàn chim yến có “chuyện” xảy ra. Điều này thực sự khiến chúng tôi lo lắng.
Ngay cả Trạm Thú y huyện Bình Chánh khi có ý định thăm dò trước với các hộ nuôi yến trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi các hộ này không đồng ý cho gặp và cố ý gây khó dễ cho lực lượng chức năng. Một cán bộ Trạm tiết lộ: “Thời điểm này nhạy cảm lắm, người nuôi bỏ tiền tỉ ra để đầu tư, giờ chỉ sơ hở chút là mất trắng như chơi. Cho nên họ ngại tiếp xúc lắm, chúng tôi đang trình văn bản lên Sở NN&PTNT để thời gian tới có thể công khai tới kiểm tra.
“Không được nóng vội”
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện thành phố có khoảng hơn 300 hộ nuôi chim yến, nằm rải rác trên nhiều quận, huyện từ quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Q. Thủ Đức, Q. Bình Thạnh cho đến huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Nhưng chỉ có 10 nhà yến tại Cần Giờ được cấp phép.
Kể từ khi có dịch cúm H5N1 xảy ra trên chim yến tại tỉnh Ninh Thuận, Chi cục đã lấy 9 mẫu ở Q.6 và Q.7 cho thấy chưa có mẫu nào dương tính virus cúm gia cầm cũng như chim yến chết bất thường trên thành phố. Tuy nhiên việc nuôi chim yến tràn lan hiện nay ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư thực sự là một mối lo ngại lớn.
Để khống chế dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y cho hay đang triển khai quy chế về nuôi chim yến, lấy ý kiến các sở ngành, UBND các quận huyện và hoàn chỉnh trình Sở Tư pháp thẩm định trình UBND TP ban hành.
“Quy chế sẽ tập trung quy định trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng mới nhà yến, xử lý các trường hợp phát sinh xây dựng nhà nuôi yến ngoài khu vực được quy hoạch, xây dựng nhà yến trái phép. Thể hiện rõ trách nhiệm của chủ nhà yến phải chấp hành giám sát dịch bệnh, khai báo kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, chấp hành các biện pháp xử lý khi dịch xảy ra, cường độ âm thanh, giờ phát loa dẫn dụ để tránh ảnh hưởng khu dân cư… Đặc biệt, sắp tới không chỉ có vấn đề cúm gia cầm mà những hộ nuôi yến nào gây ô nhiễm môi trường cũng phải ngưng lại hết”, ông Thảo nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho hay, đã nhận được những ý kiến của các cơ quan chức năng về sự việc trên. Song, theo bà Tâm, tại thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng không nên có các biện pháp cứng rắn mang tính nóng vội làm tổn hại đến người nuôi. Nhưng cần phải chủ động ứng phó, chứ không để dịch xảy ra. Do nếu để dịch xảy ra thì tổn thất rất khó lường.
Bà Tâm cho biết thêm: “TP đã từng bị động một lần sau vụ dịch tay – chân - miệng lan rộng, ngành y tế mới bắt đầu mua máy này máy nọ về để chống dịch. Rút kinh nghiệm từ lần đó, lần này chúng ta phải chủ động, hình dung nếu có dịch thì sẽ phải làm như thế nào, khống chế, khoanh vùng và dập tắt liền ra sao”.