Chiêu lừa đảo đường mật trên phố ngày giáp tết
Chị Quyên làm việc tại công ty truyền thông đang trên đường đi làm về qua đoạn Kim Mã một đối tượng đi xe Ware alpha cũ bị vỡ vỏ màu xanh áp sát kể lể hoàn cảnh: “Anh vừa bị ngã xe vỡ hết yếm, phanh bị hỏng không còn “ăn” nữa, xe lại vừa hết sạch xăng mà trong người không cầm đồng nào cả. Em có thể cho anh mượn một chút tiền để sửa phanh được không?”
Thấy chị Quyên chưa dừng xe cho tiền, gã thanh niên ra vẻ ngại ngần: “Thực sự ngại quá! Lần đầu tiên gặp tình cảnh này, nếu không ngại em cho anh mượn tiền, chờ anh sửa xong rồi qua chỗ anh để anh gửi tiền em luôn”.
Những nơi đông người tập trung lui tới thường là địa điểm thuận lợi để các đối tượng lừa đảo hoạt động trong thời điểm này. Ảnh NL |
Nhìn vào thái độ khẩn cầu và chiếc xe có vẻ như vừa bị ngã thật, hắn lại đi rất chậm vì phanh hỏng không dám đi nhanh nên chị Quyên không nỡ làm ngơ. Tuy nhiên trong túi không có nhiều tiền nên chị Quyên cũng thành thật chia sẻ: “em cũng không còn tiền”. Chưa nói dứt lời vị khách lạ kia liền bồi thêm: "Thực sự anh rất cần, phải đi vay tiền người lạ giữa đường thế này anh cũng ngại lắm nhưng anh không biết làm thế nào. Em còn ít thì cho anh vay ít cũng được, anh không lừa em đâu, nhất định anh sẽ trả".
Không đành lòng chị đành đưa cho người đó 100.000 còn lại trong túi. Sau khi nhận tiền người kia không quên cám ơn và xin số điện thoại để hẹn ngày trả tiền. Sau khi cầm tiền, gã biến mất dạng. Cũng may là còn ít tiền trong người chứ còn nhiều không khéo lại cho vay hơn.
Đáng nói là ngay ngày hôm sau khi đi trên đường Trần Cung, chị Quyên lại gặp đối tượng khác hỏi vay tiền như thế.
Không gặp đối tượng lừa tiền như chị Quyên nhưng chị Hương làm việc tại một bệnh viện trên đường Tràng Thi vừa mất chiếc điện thoại mới mua hơn 3 triệu vì thương người. Chị kể lại: tan tầm đi làm về đang đứng chờ xe bus, thấy có bạn hỏi: “chị ơi cho em mượn điện thoại, em gọi điện cho chị em ra đón, em vừa ở quê lên mà điện thoại của em bị sập nguồn , giờ không biết gọi chị ấy bằng cách nào mà em lại không biết đường”.
Người dân cần cảnh giác với các đối tượng xin tiền và mượn điện thoại ở các điểm chờ xe bus Ảnh minh họa: NL |
Để Hương yên tâm hơn, cô bé còn đưa chiếc điện thoại đen trắng bị sập nguồn ra để làm bằng chứng. Không mảy may nghi ngờ, cô cho cô bé này mượn điện thoại để gọi điện cho người thân ra đón. Lạ thay, chưa dứt khỏi tay, nhanh như cắt, cô bé này chạy “bán sống bán chết” đến một chiếc xe máy đáng đứng chờ ở đó không xa rồi cả 2 phóng đi. Không kịp phán ứng, Hương ngẩn người tự trách mình dễ tin người quá!
Hương nói: nhiều hôm đứng chờ xe Bus có người "xin 5.000 vì không có tiền" mình cũng cho luôn nhưng nhiều lần gặp trường hợp đó nên thấy nản quá!
Giáp tết là thời điểm mà nhiều đối tượng lừa đảo hoành hành dưới mọi hình thức và lứa tuổi. Đối tượng mà những tên lừa đảo này hướng tới thường là phụ nữ vì họ dễ thương cảm và tin người hơn cả. Người dân cần cảnh giác đối với những trường hợp vay tiền và mượn đồ ngoài đường, ngoài chợ để tránh bị những đối tượng này lợi dụng lừa đảo, cướp tài sản.