Chỉ vì “đánh dấu mốc trưởng thành sớm”, 35 tuổi đã mắc ung thư
Ung thư bàng quang do thuốc lá. |
Thủ phạm thuốc lá
Anh Nguyễn Văn T. sinh năm 1984, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa đến khám bệnh đi tiểu ra máu. Triệu chứng không khiến anh T. cảm thấy đau đớn hay có dấu hiệu gì nên anh chủ quan không đi khám, khi đến viện thì ung thư đã tiến triển.
Đặc biệt, anh T. nghiện thuốc lá từ rất sớm. Học xong lớp 9, anh T. và nhiều bạn bè của anh đánh dấu mốc trưởng thành bằng cách hút thuốc lá. Ban đầu chỉ là hút để cho mọi người thấy mình đã trưởng thành, đã lớn và dần dần anh T. trở thành nghiện thuốc lá. Mỗi ngày anh hút cả bao thuốc. Răng vàng vì thuốc lá, môi thâm, lợi thâm tất cả đều không làm anh nao núng sợ thuốc lá bởi vì anh nghĩ đàn ông như thế nào thì vẫn có vợ.
Đến khi bác sĩ chỉ đích danh thủ phạm ung thư bàng quang do thói quen hút thuốc của mình, anh T. lúc ấy mới ân hận thì đã muộn.
Theo thống kê, ung thư bàng quang hiện nay chiếm khoảng 3% trên tổng các loại ung thư. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh xuất hiện chủ yếu ở những người cao tuổi, khoảng 50- 60 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ khoảng 3- 4 lần.
Hiện nay nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo các bác sỹ, một số yếu tố có thể kể đến làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
Thứ nhất, hút thuốc lá. Đứng đầu trong những nguyên nhân gây bệnh phải kể đến, đó là việc hút thuốc lá thường xuyên. Khói thuốc lá có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người bao gồm cả những người hút thuốc chủ động và thụ động. Tại Hoa Kỳ nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hút thuốc tại quốc gia này là nguyên nhân gây ra hơn 50% bệnh ung thư bàng quang. Bên cạnh đó việc hút thuốc trong thời gian dài còn là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản hay các bệnh về tim mạch khác.
Ngoài ra, ung thư bàng quang còn do người bệnh bị phơi nhiễm hóa chất. Những người làm việc trong các nhà máy hóa chất, người dân sinh sống tại các khu vực có nồng độ các chất phóng xạ mạnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người sống trong môi trường trong lành hơn. Theo ước tính việc tiếp xúc với hóa chất hay các dung môi độc hại là nguyên nhân gây ra khoảng từ 20-25 các trường hợp bệnh nhân ung thư bàng quang.
Thông thường những hóa chất độc hại khi đi vào cơ thể sẽ được thận lọc và đào thải ra bên ngoài qua đường bài tiết. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp các hóa chất gây ung thư vẫn đọng lại một thời gian và tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc bàng quang trước khi chúng ta đi tiểu. Việc tiếp xúc trong một thời gian dài này sẽ khiến bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt đối với những người có thói quen hút thuốc và tiền sử nghiện bia rượu.
Thứ hai, nhiễm khuẩn. Việc cơ thể nhiễm một số loại ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt ở quốc gia vùng nhiệt đới như Việt Nam với đặc điểm thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện tốt cho những loại vi khuẩn gây hại phát triển và gây bệnh.
Thứ ba, giới tính. Ung thư bàng quang có thể mắc cả ở hai giới. Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Một số nguyên nhân có thể giải thích cho hiện tượng này như nam giới thường có thói quen uống bia rượu hay hút thuốc lá khiến bệnh dễ phát triển hơn.
Dấu hiệu của ung thư bàng quang
Khi có các dấu hiệu như có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) - nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola, hoặc nước tiểu có thể bình thường, nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu, đi tiểu nhiều lần hoặc đái rắt, đau khi đi tiểu, nhiễm trùng đường tiểu tái diễn, đau bụng, đau hông, lưng, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra ung thư bàng quang.
Việc điều trị ung thư bàng quang còn phụ thuộc bệnh tình, triệu chứng và sức khỏe của bệnh nhân. Trong đó, liệu pháp hóa chất cục bộ, miễn dịch sinh học là những phương pháp chủ đạo trong điều trị ung thư bàng quang. Phương pháp hóa chất cục bộ, hóa chất được truyền vào cơ thể bệnh nhân thông qua động mạch chủ ngăn chặn những mạch máu mới cung cấp nuôi dưỡng khối u đạt được mục đích điều trị. Sau đó có thể kết hợp với liệu pháp sinh học để nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời nâng cao sức miễn dịch của bệnh nhân, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.