Chỉ vì cái xương cá, bệnh nhân phải lên trung ương cấp cứu
Hình ảnh tổn thương của người bệnh. |
Ở bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được soi thực quản thấy có xương cá và kèm theo tổn thương thủng thực quản, bệnh nhân đã được rút xương cá qua nội soi và theo dõi điều trị. Sau khi được rút xương cá, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở và đau nhiều và sưng vùng cổ. Bệnh viện tỉnh tiến hành chụp cắt lớp thấy có ổ áp xe lớn nằm vị trí quanh thực quản nên đã chuyển đến bệnh viện Việt Đức với chẩn đoán nghi áp xe trung thất.
Khi đến bệnh viện Việt Đức ngày 5/11, bệnh nhân trong tình trạng nhiễm trùng, khó thở nhẹ, tuy nhiên vùng cổ sưng đau. Ngay trong cấp cứu, các bác sĩ tua trực đã khám xét và chẩn đoán ca áp xe trung thất nghi do vết thương thực quản vì hóc xương cá trước đó nên đã chỉ định kiểm tra đánh giá lại thương tổn và xử lý ngay trong cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết: Trên phim chụp cắt lớp phát hiện ổ áp xe lớn quanh thực quản lan từ ngang cột sống cổ xuống cột sống lưng nên chúng tôi đã tiến hành soi cấp cứu cho bệnh nhân. Mặc dù không thấy tổn thương thực quản tuy nhiên có hình khối áp xe lớn phía sau đè đẩy, kết hợp tiền sử hóc xương đã được các đồng nghiệp tuyến dưới khẳng định qua soi, chúng tôi chẩn đoán đây là ca áp xe trung thất do hóc xương cá thủng thực quản. Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm, nguy cơ biến chứng và có thê ả̉nh hưởng đến tính mạng cần phải xử lý sớm.
Trung thất là một khoang nằm ở trong lồng ngực, phía trên là nền cổ, phía dưới là cơ hoành. Trung thất chứa các tạng rất quan trọng như cách mạch máu lớn, tim, phổi …Áp xe trung thất là căn bệnh nguy hiểm nếu không xử lý đúng cách và kịp thời nạn nhân có thể tử vong do khối mủ lan rộng vỡ vào khoang lồng ngực, gây tổn thương mạch máu, vỡ vào màng tim …Có những trường hợp do tổn thương mạch máu vì dị vật đâm thủng xuyên qua thực quản, do khối mủ gây hoại tử mà động mạch chủ ngực vỡ bệnh nhân chảy máu ồ ạt và tử vong không có biện pháp chữa trị.
Muộn hơn có thể biến chứng và tử vong do suy đa tạng vì các vi khuẩn thường là yếm khí có độc tính cao.
Đây là một thể bệnh hiếm, từ khi tác giả Pearse HE mô tả năm 1938 đến nay, có nhiều thay đổi tích cực trong chẩn đoán và điều trị. Những giai đoạn đầu tiên tử vong gần 100% và được coi là bệnh không thể chữa được. Cho đến nay tử vong trong nhiều báo cáo cho thấy khoảng gần 20%.
Qua nhiều năm nghiên cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy mỗi năm bệnh viện gặp chưa đến 10 bệnh nhân áp xe trung thất nguyên nhân do thủng thực quản, các báo cáo gần đây cũng cho thấy tỷ lệ tử vong gần 18%. Cũng do là bệnh hiếm, phức tạp nên không có nhiều nghiên cứu báo cáo về áp xe trung thất do thủng thực quản tại Việt Nam ngoài một số trung tâm lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế…và các bác sĩ cũng không có nhiều kinh nghiệm xử lý.
Trong tua trực cấp cứu các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và tua trực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẩn trương mổ dẫn lưu ổ áp xe ra nhiều mủ trắng có mùi thối do vi khuẩn kỵ khí, đặt các ống dẫn lựu từ cổ xuống trung thất để rửa mủ liên tục kèm kháng sinh liều cao. Ống thông dạ dày sẽ lưu trong khoảng 2 tuần sau khi tình trạng ổn, khép da và sau đó có thể cho ăn được qua miệng. Lưu ý khi mở cổ dẫn lưu cũng có nhiều nguy cơ vì khối mủ nằm sâu trước cột sống, phải đi qua các bó cơ và bó mạch cảnh ở cổ nếu tổn thương có thể gây tử vong vì mất máu nhiều.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính khuyến cáo: Người dân cần thận trọng trong ăn uống, ngay cả cái xương cá nhỏ cũng có thể gây chết người. Đặc biệt khi có vấn đề xảy ra cần được cấp cứu kịp thời tại những cơ sở chuyên khoa đảm bảo để không nguy hiểm tới tính mạng.