Chỉ sửa đường, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được thu phí … “chát”, vì sao?
Xung quanh vấn đề trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ sau khi sửa chữa được thu phí cao như làm đường mới, chiều 13/10, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện có hai loại phí đường bộ là thu phí trên hệ thống đường cao tốc từ 1.000-1.500 đồng/km và phí trên tuyến đường BOT không phải cao tốc. Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây là đường bình thường, nay nâng cấp thành đường cao tốc thì được phép thu phí như đường cao tốc.
Hơn nữa, việc thu phí thu trên tuyến BOT mà không phải đường cao tốc tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính phê duyệt giá như nhau. Xe con mức thu từ 25.000-35.000 đồng tùy từng vị trí cụ thể.
“Tới đây trạm nào hiện nay đang thu quá thấp, sẽ điều chỉnh mặt bằng chung, tránh tình trạng xe thấy thấp chạy vào, nhà đầu tư vừa không thu hồi được vốn, vừa tăng lượng xe. Nên nhiều trạm đang thấp sẽ phải nâng lên,” Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Xuân Phú) |
Theo đai diện Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ xây mới từ đầu thì sẽ bỏ 15.000-20.000 tỷ đồng đầu tư và phải thu 20-30 năm mới hoàn vốn. Trong khi đó, tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến đường tiền cao tốc chạy xe với tốc độ 60-80km/giờ nhưng trên thực tế cho thấy trong những ngày lễ Tết cửa ngõ Thủ đô tắc hoàn toàn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nâng cấp tuyến đường này lên.
Trước đây, phía Nhật Bản có đề nghị dùng vốn dư (ODA) của các dự án làm BOT tuyến đường này. Nhà đầu tư của Nhật đưa phương án nâng cấp tuyến đường trong 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường lên 4 làn xe, tốc độ 100-120km/giờ, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng và thu phí trong 5 năm.
Giai đoạn 2 sau năm 2023 sẽ đưa lên cao tốc 6 làn xe, tổng mức đầu tư thêm 4.000 tỷ đồng. Tổng cộng toàn dự án có tổng mức đầu tư là 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, phía Nhật Bản đã nghiên cứu nhưng chưa “chốt” thời gian thực hiện nên Chính phủ không đồng ý.
Sau đó, các nhà đầu tư của Việt Nam đã đưa ra phương án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ nâng cấp đường 4 làn xe, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, làm trong 14 tháng, tốc độ 100-120km/h. Từ tháng 10 năm nay, nhà đầu tư đã thi công mở rộng thêm 2 làn và dự kiến hoàn thiện vào năm 2018. Con số này so với phương án phía Nhật Bản đưa ra đã giảm được 5 năm và tiết kiệm 1.500 tỷ đồng.
“Thời gian thu phí của tuyến đường này dự kiến trong 17 năm 1 tháng nhưng theo tính toán của Bộ sẽ ngắn hơn,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Trước ý kiến Hà Nội có nhiều trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định: "Nói Hà Nội có nhiều trạm thu phí BOT 'bủa vây' là không đúng. Ngược lại, Hà Nội là khu vực có trạm thu phí BOT 'bủa vây' ít nhất, so với Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 1/4."
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay, thành phố Hà Nội chỉ có 2 trạm thu phí BOT là trạm Bắc Thăng Long-Nội Bài; Pháp Vân-Cầu Giẽ là nằm trong địa phận Hà Nội.
Sau này, dự kiến sẽ có thêm trạm phí BOT trên đường vành đai 4 nối cao tốc Quốc lộ 5 về Quốc lộ 1 đoạn từ Hưng Yên-Hà Nam, đoạn Hà Nam-Đại lộ Thăng Long và Đại lộ Thăng Long-đường 32 với mục đích phục vụ cho khu công nghiệp Láng-Hòa Lạc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, hiện giờ, tuyến đường vành đai này đang kêu gọi đầu tư triển khai theo hình thức BOT. Nhưng chắc chắn vài 3 năm nữa mới làm vì vốn BOT vay các ngân hàng đang bị rà soát lại.