Chết đứng khi nghe con gái "dọa" nhảy lầu chỉ vì không được nuôi thú cưng
Chị Hoàng Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “ Nhà tôi có hai nhóc, một đứa lớp 7 và một đứa lớp 5. Hai chị em rất thích được nuôi chó cảnh trong nhà nhưng ban đầu chồng tôi phản đối vì anh ấy sợ không vệ sinh được, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nhà.
2 đứa nhóc phụng phịu mãi thậm chí dỗi bố mẹ không ăn cơm. Trong lúc hai con đang phơi đồ trên tầng 4, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của 2 đứa: “Chị Bống này, em thích nuôi con Micky đó quá. Nếu bố mẹ vẫn không cho mình nuôi, em sẽ tuyên bố nhảy từ tầng 4 xuống chết luôn”..., tôi giật mình ngã ngửa. Sau khi ngồi suy nghĩ, tôi quyết định phải ngồi nói chuyện lại với chồng".
Vậy là chị Phương lại phải bàn lại với chồng, sẽ đồng ý cho các con nuôi thú cưng trong nhà với điều kiện các con phải tự chăm nuôi và vệ sinh sạch sẽ hằng ngày cho thú cưng và nhà cửa. Bởi vợ chồng chị không muốn con mình vì sở thích mà hình thành thói quen nhất thời sau đó bố mẹ lại là người xử lý “đống rác” sau đó.
Ngay sau khi được cho phép, hai con chị Phương xin phép được lấy tiền mừng tuổi để tìm mua một con chó dòng Pug thuần chủng. Các con sẽ mua và trang trí cho chúng một ngôi nhà nhỏ xíu trong chiếc chuồng sắt bán sẵn tại cửa hàng phụ kiện dành cho thú cưng và tất nhiên hai chị em tự phân công nhau chăm sóc, cho ăn uống và vệ sinh mà bố mẹ không phải bận tâm.
Gần 2 năm nay, chú chó mà hai con chị Phương chăm sóc đã trở thành một thành viên trong gia đình chị.
Nuôi thú cưng trẻ sẽ cảm nhận được bố mẹ nuôi chúng không hề dễ dàng (ảnh minh họa) |
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay: “Vị phụ huynh trên đã ứng xử rất khôn khéo trước sở thích của hai con mình. Giả sử vợ chồng chị vẫn nhất quyết phản đối việc hai con nuôi thú cưng thì không biết hậu quả sẽ ra sao khi cô con út tuyên bố sẵn sàng… nhảy lầu nếu bị từ chối sở thích.
Có thể nói trong quá trình nuôi và chăm sóc động vật, trẻ con sẽ phải bỏ ra tâm sức, suy nghĩ làm sao tốt nhất cho con vật đó. Qua đó, trẻ cũng phần nào hiểu được cha mẹ sinh chúng ra, nuôi dưỡng chúng cũng không dễ dàng, đứa trẻ sẽ biết cho đi mà không phải chỉ nhận lại như trước”.
Chuyên gia Phương Anh kể, thực tế, không phải phụ huynh nào cũng tinh tế và có những ứng xử nhân văn như vậy với con. Rất nhiều người áp đặt suy nghĩ của mình lên đứa trẻ, rằng vì bố mẹ không thích nên con không được làm mà không giải thích cho các con tại sao sẽ dễ khiến con trẻ hình thành tâm lý ức chế, suy nghĩ tiêu cực.
Phụ huynh hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ sẽ có một cá tính riêng biệt, không có một khuôn khổ nào áp đặt lên cá tính của trẻ được. Các vị đừng bao giờ nghĩ rằng mình sinh con ra nên có quyền áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Đó là lối nghĩ sai lầm lớn.
Bố mẹ chỉ có thể đưa ra lời khuyên để giúp trẻ biết được mình nên làm điều gì, để trẻ biết những gì nên làm và không nên làm. Điều mà đứa trẻ cần được tự do để lớn lên, trở thành bất kỳ hình mẫu nào mà chúng thích, và được theo đuổi ước mơ của chính mình. Chỉ cần những điều đó phù hợp với chuẩn mực đạo đức thì cha mẹ hãy ủng hộ quyết định của con.
“