Châu Phi sắp “lâm nguy” vì các dự án viễn thông của TQ?
Hồi tháng 8/2013, sự kiện Ethiopia ký kết với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc một thỏa thuận thiết lập mạng băng thông rộng trị giá 800 triệu USD một lần nữa dấy lên mối quan ngại về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi.
Theo thỏa thuận này, ZTE sẽ xây dựng một mạng băng thông rộng 4G tại thủ đô Addis Ababa và mạng 3G trên khắp phần còn lại của đất nước. Thỏa thuận với ZTE nằm trong giai đoạn cuối của dự án đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD chung giữa ZTE và Công ty Huawei Technologies theo tỷ lệ 50/50.
Từ góc độ của chính phủ Ethiopia, thỏa thuận đạt được với ZTE và Huawei có thể giống như một "món quà" nếu xét đến điều kiện cho vay lãi suất thấp, giá cả cạnh tranh, hệ thống quản lý đầy đủ và tiềm năng cung cấp kết nối chi phí thấp cho người dân. Tuy nhiên, các thông tin này xuất hiện đúng vào lúc giới chức Mỹ liên tiếp phát đi những cảnh báo tin rằng Trung Quốc đang phát triển một mạng lưới do thám nguy hiểm tại châu Phi.
Những cáo buộc xung quanh việc Huawei Technologies vi phạm an ninh mạng nổi lên từ cuối tháng 11 năm ngoái, sau khi các cơ quan tình báo và các Công ty an ninh phát hiện thấy các cuộc tấn công các trang web xuất phát từ Trung Quốc. Tại Mỹ, phần lớn các hoạt động của Huawei Technologies đã bị cấm, và hiện cả Huawei lẫn ZTE đều đang bị điều tra về cáo buộc thâm nhập các hệ thống của Mỹ và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Năm 2008, Huawei Technologies và đối tác Bain Capital đã phải từ bỏ việc đấu thầu một dự án cung cấp thiết bị máy tính do có những quan ngại về bảo mật, và năm ngoái họ đã không được phép mua bằng sáng chế từ một hãng sản xuất máy chủ của Mỹ. Năm 2012, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng một mạng lưới khẩn cấp toàn quốc cũng vì lý do an ninh. Cũng trong năm 2012, Australia cũng đã cấm công ty này tham gia đấu thầu dự án thiết lập mạng băng thông rộng cáp quang trên toàn quốc với lý do "lợi ích quốc gia". Mặc dù Huawei Technologies đã cung cấp các thiết bị mạng cho ngành viễn thông Anh từ năm 2005, Văn phòng Nội các Anh đã tuyên bố hồi tháng 7 năm nay rằng họ sẽ rà soát lại Trung tâm đánh giá an ninh mạng của công ty này, được gọi là Banbury Cell, do nhận thấy mối liên hệ giữa Công ty này và Chính phủ Trung Quốc “thiếu minh bạch”.
“Những lo ngại của Mỹ về hoạt động gián điệp một phần dựa trên những báo cáo tình báo cho rằng các thiết bị định tuyến do Công ty Huawei Technologies Ltd cung cấp cho khách hàng Mỹ đã "vận hành một cách kỳ quặc", ví dụ như các bộ định tuyến tự động bật mở giữa đêm khuya và truyền với các gói dữ liệu lớn về Trung Quốc. Các lo ngại khác liên quan đến khả năng tin tặc Trung Quốc có thể che giấu các cuộc tấn công của chúng bằng cách thay đổi lộ trình qua ngả châu Phi. Hơn thế, các tài liệu nội bộ của Huawei Technologies mà các nhà chức trách Mỹ thu được từ một cựu nhân viên của công ty này cho thấy Huawei còn cung cấp "dịch vụ mạng đặc biệt" cho một đơn vị chiến tranh mạng thuộc quân đội Trung Quốc”, tờ tạp chí "Quan hệ Quốc tế và An ninh" viết.
Do Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có khả năng làm gián điệp thông qua các mạng viễn thông, các nhà lãnh đạo châu lục nên cẩn trọng khi xem xét lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng. Một cách mà các quốc gia châu Phi có thể dựa vào để giảm thiểu rủi ro từ hoạt động gián điệp kinh tế là sử dụng kiểm toán độc lập đối với phần cứng cũng như phần mềm của nhà cung cấp công nghệ. Thông qua việc quản lý độc lập và sử dụng các kiểm toán viên bên ngoài, các nước châu Phi có thể tin tưởng rằng các thiết bị và mạng lưới do nước ngoài cung cấp cho họ là an toàn.