Châu Âu vi phạm hiệp ước hạt nhân, Nga có thể đáp trả
Theo ông Mikhail Ulyanov, giám đốc Cục Kiểm soát và Chống phổ biến Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, việc Mỹ thực hiện nâng cấp số vũ khí hạt nhân ở châu Âu là đi ngược lại với những điều kiện được nêu ra trong NPT.
Nga bày tỏ sự bất bình khi Mỹ có kế hoạch nâng cấp bom hạt nhân ở châu Âu. |
Kế hoạch của Washington bao gồm nâng cấp 180 quả bom chiến lược B61 được cất giữ tại các căn cứ không quân châu Âu để trở thành phiên bản B61-12 hiện đại. B61 được thiết kế từ những năm 1960 để đối phó với Liên Xô, và loại bom này đã được lưu giữ cẩn thận ở Đức, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan trong vòng 5 thập kỷ qua.
Bộ Quốc phòng Mỹ muốn nâng cấp số vũ khí hiện có với lý do rằng việc nâng cấp các linh kiện điện tử của bom B61 đã khiến chi phí “trở nên dao động thất thường”. Sau cùng, các nước NATO đã phải trả một cái giá không rẻ, khi chi phí để thay thế các bộ phận lỗi thời vào khoảng 28 triệu USD mỗi quả bom. Dự kiến chương trình này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2020.
“Như vậy, có thể nói rằng NATO đang vi phạm lâu dài những điều khoản được nêu ra trong NPT”, ông Ulyanov nói.
Nhiều nước đã lên tiếng phản đối chương trình này, khi họ cho rằng thay vì giảm bớt số bom nguyên tử hiện có ở Châu Âu theo điều khoản trong NPT, việc nâng cấp sẽ khiến nhiều nước giờ đây sở hữu và có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Ulyanov khẳng định rằng Nga sẽ thực hiện tất cả những bước đi cần thiết để có thể đáp trả với kế hoạch trên của Mỹ. “Tôi chắc chắn rằng Nga sẽ có hành động đáp trả thích đáng đối với việc Mỹ triển khai bom hạt nhân thế hệ mới, tùy thuộc vào tình hình cụ thể”, ông nói.
Hiệp ước NPT chính thức có hiệu lực vào năm 1970, theo đó chỉ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng cộngd dã có 191 quốc gia đã ký vào hiệp ước này. Mục tiêu cuối cùng của NPT là nhằm giảm bớt khả năng xảy ra xung đột hạt nhân bằng cách ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.