Châu Âu sẽ không còn mặn mà với Đảng Dân chủ Mỹ?
Giống như tại các quốc gia châu Âu khác, tại Thụy Điển các hãng thông tấn thường đề cao bà Hillary Clinton và mô tả ông Donald Trump là một nhân vật “kỳ dị” và “khó đoán”. Tuy nhiên, báo Skanska Dagbladet lại có ý kiến ngược lại khi cho rằng bà Hillary Clinton thực tế không phải là ứng cử viên lý tưởng như truyền thông phương Tây lầm tưởng.
Bà Hillary Clinton được coi là ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ. |
Ông Lars Eriksson, tổng biên tập báo Skanska Dagbladet cho biết, trước đây ông từng ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ bởi họ bày tỏ quan ngại đối với vấn đề trợ cấp xã hội và không có tư tưởng hiếu chiến. Do đó, rất nhiều người đã đặt niềm tin rằng ông Barack Obama sẽ mang đến sự thay đổi tích cực đối với tình hình quốc tế, tuy nhiên mọi chuyện lại trở nên xấu hơn trước.
“Trong thời gian ông Obama lãnh đạo đất nước, chính phủ Mỹ có Ngoại trưởng Hillary Clinton, một người luôn có tư tưởng hiếu chiến và là người có một phần trách nhiệm đối với tình trạng hỗn loạn ở Iraq và Libya, cuộc nội chiến ở Syria, kéo theo đó là dòng người tị nạn khổng lồ đổ vào châu Âu. Không những vậy, một số bằng chứng đang cho thây Mỹ đã góp phần khiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được thành lập”, ông Eriksson viết.
“Nếu nước Mỹ có một Tổng thống hiếu chiến như bà Hillary Clinton, đó sẽ là một viễn cảnh không hề tươi sáng”, ông Eriksson nhấn mạnh.
Chuyên gia chính trị này cũng nói rằng châu Âu đang phải tiếp nhận dòng người tị nạn khổng lồ bởi sự thiếu quyết đoán của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc các nước phương Tây coi Nga là đối thủ chính của mình sau cuộc đảo chính ở Ukraine. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước được coi là lá chắn ngăn người tị nạn tiến vào châu Âu, xảy ra nội chiến, phương Tây sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng rất lớn.
“Vào cuối thập niên 1990, nhiều người đã tỏ ra lạc quan về tương lai của thế giới. Sự tan rã của Liên Xô đã khiến các quốc gia Đông Âu được dân chủ hóa. Tình trạng hỗn loạn ở Nga dần được đẩy lùi khi ông Vladimir Putin lên nhậm chức Tổng thống, đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế và hợp tác phát triển với tất cả các nước. Nhưng giờ đây, tương lai tươi sáng đó đã không còn bởi sự thù địch mà Mỹ mang lại”, ông Eriksson viết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.