Châu Âu phải lựa chọn giữa NATO và quân đội của riêng mình
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Sputnik, ông Peter van Ham, chuyên gia an ninh châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cho rằng giờ đây khi Anh bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu EU cũng như việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, thì EU buộc phải chọn lựa giữa NATO và quân đội của riêng mình.
Các quốc gia châu Âu vừa tán thành kế hoạch nhằm mở rộng hợp tác quân sự trong khối. Hôm 14/11 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã đồng ý đẩy mạnh cam kết tạo ra một tổ chức kế hoạch chung.
Cơ quan mới này sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động huấn luyện và tăng cường sử dụng các đơn vị phản ứng khủng hoảng quân sự hiện có của liên minh này. Theo các Bộ trưởng, việc này sẽ thúc đẩy vai trò chiến lược toàn cầu của EU cũng như năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết.
Đã đến lúc EU phải tách khỏi NATO? Nguồn: AP |
Theo ông Peter van Ham, việc ông Trump vào Nhà Trắng trong thời gian tới cùng tương lai không chắc chắn ở biên giới châu Âu, có thể sẽ cần các biện pháp địa chính trị đi từ một chính sách bàn giấy cho đến hành động thực sự.
“Đây là điều mà chúng ta đã thấy hàng thập kỷ nay. Liên minh châu Âu có tham vọng trở thành một người chơi trong khu vực và toàn cầu cũng như có được năng lực quốc phòng tự trị. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên EU cũng là thành viên NATO và đây chính là vấn đề”, ông nói.
Ông nói thêm rằng các quốc gia thành viên này muốn có cả hoạt động quân sự của châu Âu, vừa muốn tiếp tục sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. “Cho đến bây giờ, dường như họ vẫn có được cả hai nhưng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, họ sẽ sớm phải lựa chọn và đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm”, chuyên gia Ham cho biết.
Vương quốc Anh từng hơn một lần ngăn cản việc mở rộng hợp tác quân sự EU và lựa chọn tăng cường an ninh khu vực thông qua NATO. Tuy nhiên, quyết định mới nhất của Anh là rời khỏi EU cùng chiến thắng của ông Trump tại Mỹ đã đem đến một bước ngoặt mới cho mọi kế hoạch.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, tỷ phú Trump liên tục lặp lại câu hỏi về hoạt động của NATO và đề nghị EU tăng chi phí nếu muốn quân đội Mỹ hỗ trợ. Nếu điều này được áp dụng thì nó có thể thúc đẩy Liên minh châu Âu tự xây dựng khối quân sự chung và hoạt động bằng ngân sách quốc phòng của riêng mình.
Trước đó, theo Reuters, hôm 14/11 vừa qua, Liên minh châu Âu đã thông qua một kế hoạch quốc phòng. Theo đó, khối này sẽ gửi lực lượng phản ứng nhanh ra nước ngoài lần đầu tiên. Kế hoạch được các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao EU phê duyệt sẽ cho phép liên minh đưa lực lượng ra nước ngoài để bình ổn một cuộc khủng hoảng trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tiếp quản, đồng thời tạo được nền tàng vững chắc để sẵn sàng hành động mà không cần Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết: “Châu Âu cần phải tăng cường khả năng hành động vì an ninh của riêng mình. Điều này sẽ cho phép EU thúc đẩy các bước đi nhằm đạt tới tính tự trị chiến lược”.
Đó cũng là ý kiến của các Bộ trưởng Đức và Cao ủy phụ trách về chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, khi cho rằng đã đến lúc EU phải có “mã ngôn ngữ riêng” để hoạt động độc lập bên cạnh Washington.