Châu Âu đang ngày càng chìm vào khủng hoảng ít lối thoát
Có thể nói, tuần vừa qua là tuần “không nghe lời” ở châu Âu và Thủ tướng Hungary Viktor Orban được coi là một trong những “kẻ gây rối” chính ở châu Âu.
Châu Âu đang ngày càng chìm vào khủng hoảng ít lối thoát |
Tuần qua, ông Viktor Orban đã “thẳng toẹt” những gì đang diễn ra ở trong nội bộ EU. Ngoài giọng điệu bảo thủ cánh hữu đặc trưng, ông Orban còn lên tiếng chỉ trích tham vọng của giới lãnh đạo EU trong việc “chỉ cho chúng ta thấy chúng ta phải sống với ai trên đất nước của chúng ta”.
Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức từ 20-21/10 cũng đã chỉ ra một loạt vấn đề bất ổn về kinh tế và chính trị trong nội bộ tổ chức này.
Trước hết, nỗ lực thống nhất để đưa ra gói cấm vận mới chống Nga vì các vấn đề ở Syria đã thất bại. Thủ tướng Italia Maatteo Renzi là một trong những chính trị gia phản đối quyết liệt nhất việc thông qua gói cấm vận này.
Tuy nhiên, ông Renzi không bị “cô đơn” trong vấn đề này khi sự không hài lòng đối với các lệnh cấm vận chống Nga vẫn đang là nguyên nhân chính gây chia rẽ nội bộ EU và các bất đồng này đang ngày càng sâu sắc.
Thứ hai, vùng Wallonie của Bỉ cương quyết từ chối ủng hộ ký kết Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện EU-Canada (CETA). Do đó, thay cho lễ ký kết dự định được tổ chức vào ngày 27/10, EU sẽ phải mất thêm nhiều tháng nữa để có thể đạt được sự đồng thuận.
Ngoài ra, Pháp cũng đang tiếp tục cản trở quá trình EU ký kết với Mỹ Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thậm chí từ chối đưa ra thông tin về ngày tháng có thể ký kết thỏa thuận này. Pháp chỉ khẳng định rằng TTIP sẽ không thể được ký kết trong năm 2016.
Thứ ba, các phương tiện truyền thông đang đưa nhiều thông tin về phản ứng có phần nôn nóng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker đối với vấn đề tiến hành các cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh Theresa May về thúc đẩy quá trình Brexit (đưa Anh rút khỏi EU, qua đó cho thấy bối cảnh trong nội bộ EU đang rất căng thẳng về vấn đề này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker |
Bên cạnh đó, quá trình Brexit tưởng như sẽ chỉ diễn ra trên lý thuyết nhưng lại đang dần trở thành thực tế. Quá trình này nếu được thực hiện sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy không chỉ cho nước Anh mà cả toàn EU. Nếu như Anh kiên quyết rời EU thì hàng năm các công ty châu Âu sẽ mất đi khoảng 8 tỷ bảng Anh (9,7 tỷ USD), nhiều hơn khá nhiều so với thiệt hại phía các công ty Anh phải gánh chịu.
Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đưa ra tuyên bố cho rằng EU đang rơi vào tình trạng bất ổn, thậm chí hoàn toàn có thể tan rã. Ông Frank-Walter Steinmeier đã chỉ thẳng ra một loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ những bất ổn nhập cư cho đến khủng hoảng tài chính.
Trong bối cảnh bất ổn này, giới lãnh đạo chính trị EU đang cố tìm ra nguyên nhân nào đó để đổ lỗi cho thực trạng trên và Nga là lý do có vẻ được giới lãnh đạo EU “yêu thích” hơn cả.
Cụ thể, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU kể trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã lên tiếng cáo buộc Nga đang thực hiện chiến lược nhằm làm suy yếu EU. Tuy nhiên, những cáo buộc này dường như lại trở thành không đúng lúc khi Nga liên tục khẳng định: “Chúng tôi muốn thấy một EU thống nhất, hùng mạnh, có thái độ tích cực trong quan hệ với Nga và quan trọng hơn là có thể độc lập trong việc thông qua các quyết định của mình”.
Giới phân tích cho rằng tất cả các sự kiện trên cho thấy châu Âu đang ngày càng rơi vào cuộc khủng hoảng ít lối thoát.