Châu Âu có thể "sống sót" được bao lâu nếu thiếu khí đốt của Nga?
Ông Petr Pushkarev, Trưởng Bộ phận Phân tích của công ty TeleTrade (Nga) cho biết: “Tại Italy, 37% lượng khí đốt mà nước này tiêu thụ đều bắt nguồn từ Nga. Ở Đức, con số này là 28%. Đức có thể cầm cự lâu hơn Italy một tuần nếu không có khí đốt Nga”.
Châu Âu đang phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt do Nga cung cấp. |
Câu hỏi về mức độ phụ thuộc vào khí đốt do Nga cung cấp của Liên Xô đã được báo La Stampa của Italy đưa ra sau khi vụ nổ đường ống dẫn khí đốt chết người xảy ra tại Áo vào ngày 12/12 vừa qua, khiến nguồn cung khí đốt bị gián đoạn nặng nề.
Ông Pushkarev cũng nói thêm, các nước Châu Âu khác thậm chí còn phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn Đức và Italy và sẽ không trụ được lâu. “Tỉ lệ của các nước Slovenia, Hy Lạp và Hungary đều nằm trong khoảng từ 41 đến 45%. Nếu không có khí đốt Nga, họ sẽ gặp phải tình trạng thiếu khí đốt trong vòng 10 ngày”, ông nhận định.
Ông Pushkarev cho biết, đối với các nước như Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia tỉ lệ trên là gần 100%.
Ông Ivan Karyakin, chuyên gia đầu tư của hãng Global FX của Nga cho biết, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang thực hiện các dự án đường ống dẫn khí đốt và đồng thời xây dựng các cơ sở điều chế khí tự nhiên hóa lỏng ở Châu Âu. Vấn đề này đang được các nước Châu Âu tranh cãi rất gay gắt.
“Nếu Gazprom hoàn thành tất cả các dự án của mình, hệ thống ống dẫn khí đốt từ Nga sẽ khẳng định vị trí quan trọng của mình trong hệ thống đường ống năng lượng ở Châu Âu. Trong khi đó, khí tự nhiên hóa lỏng của Nga sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm này của Mỹ và Qatar và Nga có cơ hội chào giá tốt hơn”, ông Karyakin cho biết.
Theo ông, đây là nguyên nhân vì sao trong lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Triều Tiên và Nga mà Mỹ vừa áp dụng có đánh vào nguồn cung cấp khi đốt của Nga đối với Châu Âu.
Cũng theo ông Pushkarev, nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar và Mỹ có vai trò quan trọng đối với Châu Âu chỉ trong các trường hợp khẩn cấp như vụ nổ đường ống ở Áo.
“Khí tự nhiên hóa lỏng của hai nước này rất đắt, nó khiến người tiêu dùng phải trả giá nhiều hơn 50 đến 70% so với khí đốt thông thường, và nó thường không được cung cấp với số lượng lớn. Washington hiện này không có cơ hội nào để đánh bật Nga ra khỏi thị trường khí đốt Châu Âu”, ông Pushkarev cho biết.
Hai tập đoàn khí đốt là Royal Dutch Shell và BP đã xác nhận rằng Nga vẫn sẽ tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Châu Âu ít nhất là cho đến năm 2035. Theo hãng Gazprom, Nga chiếm 34% thị phần khí đốt của Châu Âu vào năm ngoái.