Châu Âu chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran
Châu Âu chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran
Anh, Mỹ, Pháp đưa hạm đội 6 tàu chiến đi qua eo biển Hormuz
Thổ Nhĩ Kỳ: Iran lên kế hoạch tấn công Đại sứ quán Mỹ
Người phát ngôn Uỷ ban Chính sách Đối ngoại Châu Âu, Catherine Ashton nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm tìm kiếm khả năng đàm phán với Iran. Ảnh: AFP |
Ở Iran, một chính trị gia đã đáp lại các lệnh trừng phạt này bằng việc nhắc lại đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và một nhân vật khác thì nói rằng Tehran nên cắt đứt việc nguồn cung dầu mỏ cho Châu Âu tức thì.
Như vậy, hành động này có thể sẽ gây tổn hại cho Hy Lạp, Ý và các nền kinh tế yếu ớt khác trong khối đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn dầu mỏ của Iran. Và một điều tất yếu là sẽ lật lại thế cờ trước khi lệnh cấm vận hoàn toàn có hiệu nghiệm vào ngày 1 tháng 6 như trong thoả thuận của EU tạo điều kiện cho những nước thành viên có thời gian tìm kiếm nguồn cung mới.
Chỉ một ngày sau khi hàng không mẫu hạm của Mỹ cùng đội tàu chiến hộ tống của Anh và Pháp thực hiện một hành trình mang tính biểu trưng tiến vào vùng Vịnh để thử thách lòng gan dạ của Iran, thì các lệnh trừng phạt như mong đợi của EU dường như có vẻ sẽ thúc đẩy căng thẳng gia tăng hơn nữa trong khu vực này.
Một số nhà phân tích nhận định rằng Iran, vốn luôn chối bỏ cáo buộc về việc nước này đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân có thể sẽ thực sự sở hữu loại vũ khí huỷ diệt này vào năm tới. Do vậy, với lời cảnh báo có thể sẽ sử dụng quân sự để ngăn chặn việc này của Israel, tranh cãi về các kế hoạch của Tehran đang trở thành vấn đề nhức nhối hơn bao giờ hết đối với các lãnh đạo thế giới nhất là đối với tổng thống Mỹ, Barack Obama khi vấn đề đặt ra trước mắt là chiến dịch tái tranh cử sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Hãng tin Reuters đưa tin, tại buổi họp diễn ra tại thủ đô Brussel, bộ trưởng ngoại giao của 27 nước thuộc khối EU, khách hàng dầu mỏ lớn thứ nhì của Iran sau Trung Quốc, đã đồng thuận về một lệnh cấm vận tức thì với tất cả các hợp đồng mới liên quan đến việc nhập khẩu, mua bán hay vận chuyển dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Iran. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng hiện tại, khối này đã cho phép kéo dài thời gian đến ngày 1 tháng 6 để chấm dứt các hợp đồng.
Các quan chức EU thông báo họ cũng đồng tình trong việc đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Iran và cấm các hoạt động buôn bán vàng cùng các kim loại quý hiếm với ngân hàng này và cả các cơ quan trực thuộc sự quản lý của nhà nước.
Cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt vào ngày 31 tháng 12 vừa qua, các cường quốc phương Tây trông cậy những lệnh này sẽ hạn chế xuất khẩu của Iran và nhờ vào việc túng thiếu đó có thể buộc được lãnh đạo Iran đồng ý kìm hãm chương trình hạt nhân mà phương Tây vẫn cho rằng đang tiến tới việc xây dựng vũ khí.
EU muốn đàm phán
Người phụ trách các chính sách ngoại giao của EU, bà Catherine Ashton phát biểu: "Tôi muốn áp lực của những lệnh trừng phạt này sẽ là lực thúc đẩy cho các cuộc đàm phán. Tôi muốn thấy Iran trở lại bàn đàm phán hoặc là đồng ý với những gợi ý chúng tôi đề ra từ năm ngoái hoặc là tự ý tiến hành các kế hoạch riêng của mình".
Iran gần đây đã nói sẵn sàng đàm phán với phương Tây dù các tín hiệu đưa ra từ cả hai phía đều không rõ rằng liệu các điều kiện của cả hai bên có làm thay đổi nội dung các cuộc đàm phán hay không.
Quốc gia Cộng hoà Hồi giáo này khăng khăng rằng việc làm giàu uranium là chỉ nhằm sản xuất điện phục vụ cho mục đích dân dụng.
Iran đã nhận được sự che chở của Nga và Trung Quốc với ý kiến tranh luận rằng các lệnh trừng phạt mới là không cần thiết và cũng có thể nương tựa ở hai "đại gia" này cùng các quốc gia Châu Á khác để tiếp tục bán dầu bất chấp các nỗ lực can ngăn của Mỹ và Châu Âu.
Cựu bộ trưởng tình báo Iran, thành viên của ban tham mưu có thế lực nước này, Ali Fallahian đề nghị Tehran nên đáp trả hành động trì hoãn trừng phạt của EU bằng cách ngừng bán dầu cho khối này ngay lập tức mà không cần quan tâm đến thời gian khối này đề ra cho các nước thành viên có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế hay gây tổn hại kinh tế do giá dầu leo thang.
Hãng tin Fars của Iran trích lời ông này nói: "Cách tốt nhất là chúng ta ngừng xuất khẩu dầu trước thời hạn 6 tháng đề xuất và trước cả khi kế hoạch trên được triển khai".
Fallahian cũng nhắc lại rằng Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến vận tải dầu lửa chiến lược của nền kinh tế toàn cầu.
Washington đã lên tiếng sẽ không nhượng bộ bất kỳ hành động nào làm ngưng trệ giao thương trên tuyến đường này và để thể hiện quan điểm của mình hôm qua hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln cùng sự hộ tống của 5 chiến hạm khác trong đó có chiếc Argyll của anh và La Motte-Picquet của Pháp đã đi qua eo biển này để tiến vào vùng Vịnh.
Từ Paris, người phát ngôn bộ ngoại giao Pháp tuyên bố: "Đó là một tín hiệu cho Iran nếu họ muốn xem xét theo hướng đó".
Hoa Tạ