Chàng trai bán rau và hành trình kết nối trái tim
Một hội thiện nguyện thành lập gần 2 năm nay, hơn 300 triệu đồng quyên góp được từ các nhà hảo tâm khắp cả nước, một mạng lưới tình nguyện viên nhiệt tình, tích cực ở các thành phố lớn, một trang web chia sẻ, kết nối thông tin...
Một ngày mưu sinh vất vả của Long và vợ-Nguyễn Thị Hương-bắt đầu từ lúc 4h sáng. Hai vợ chồng tất tả đưa xe ba gác lên chợ Tréo hoặc ngã ba Cam Liên, Cam Thủy nhận hàng rau, quả theo đầu mối quen biết. Tiếp đó, vợ chồng lại đưa chuyến xe chở đầy ắp thực phẩm này lên tận Thái Thủy để bán tại chợ xép và phải đến tầm khoảng 14h, mới bán hết hàng, xong xuôi công việc. Long tâm sự, mỗi ngày, vợ chồng gom hàng từ 1,5-2 triệu đồng. Nếu đắt hàng, rau quả không bị “ế”, thì một ngày, hai vợ chồng thu lãi từ 350.000-400.000 đồng, còn nếu không bán được hết, cả nhà lại “ăn rau quả thay cơm”.
Trước đây, khi đang học lớp 12, tình yêu, đam mê với máy tính đã thúc giục Long nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh theo đuổi một khóa học về công nghệ thông tin. Nhưng rồi vì nhiều lý do khách quan, việc học chỉ kéo dài được 9 tháng thì “đứt gánh giữa đường”. Không nản chí, về quê, Long lại tiếp tục đi làm tiếp thị sản phẩm suốt 3 năm trời, lăn lộn ở mọi ngóc ngách của Lệ Thủy. Một lần nữa số phận lại thử thách Long khi đưa chàng trai trẻ dấn thân vào nghề mới: kinh doanh trang trại. Mạnh dạn thuê đất ở Thái Thủy (Lệ Thủy), Long mở trang trại chuyên nuôi gà thả vườn và đào ao thả cá. Tuy nhiên, mặc dù sản phẩm chất lượng tốt, nhưng đầu ra lại quá khó khăn, tư thương ép giá, khiến trang trại thường xuyên bị lỗ vốn. Dù rất đam mê làm trang trại, nhưng Long đành đóng cửa và cùng vợ làm nghề buôn bán rau quả để nung nấu tìm cách “sống” lại trang trại trong một ngày gần đây. Công việc mới tuy vất vả, nhưng vẫn có thể nuôi sống gia đình và quan trọng hơn như lời Long chia sẻ: “Buổi chiều và buổi tối em vẫn rảnh rỗi để làm thiện nguyện!”.
Một ngày làm việc của Trần Quang Long, phụ trách Hội thiện nguyện Lệ Thủy, bắt đầu với chiếc xe ba gác chở đầy rau quả này. |
Ý tưởng thành lập một nhóm thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao đã manh nha trong Long từ ngày mới chân ướt chân ráo lên Thái Thủy lập nghiệp. Nhìn những em bé chân đất, áo quần phong phanh, co ro trong giá rét, Long ao ước có đủ điều kiện để giúp đỡ các em vơi bớt nhọc nhằn hoặc đơn giản chỉ có thêm manh áo để đủ ấm trong mùa đông. Trang web lethuyquetoi.org cũng bắt nguồn từ ý tưởng đó. Và đặc biệt hơn, mọi kinh phí để duy trì hoạt động cho trang web cũng do Long tự bỏ ra. Thành lập từ cách đây 3 năm, trang web được xem là cầu nối liên kết các nhà hảo tâm không chỉ từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình mà còn ở mọi miền đất nước và cả nước ngoài để cùng chung tay giúp đỡ trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, dân tộc thiểu số. Mọi thông tin liên quan đến các chương trình tình nguyện đều được Long cập nhật công khai, chi tiết, cụ thể lên trang web, nhờ đó, tạo được sự tin tưởng và an tâm không chỉ với nhà tài trợ mà còn với từng tình nguyện viên.
Nếu một lần vào trang web lethuyquetoi.org, bạn sẽ không khỏi xúc động bởi sự đóng góp nhiệt tình, chân thành của người dân cho hoạt động thiện nguyện, từ sinh viên, học sinh, các giáo viên vùng núi đời sống còn nhiều khó khăn cho đến con em Lệ Thủy xa quê xin giấu tên... Đó có thể chỉ đơn giản là mấy chục quyển vở, mấy chục ngòi bút hoặc sách báo, áo quần cũ, đôi dép mới, áo mưa... nhưng cũng đủ để nói lên tình cảm, tấm lòng yêu thương của họ dành cho quê hương. Bên cạnh 7 thành viên chủ chốt của hội thiện nguyện, Long cũng duy trì được mạng lưới các tình nguyện viên chủ yếu là sinh viên và người đi làm quê Lệ Thủy ở những tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP. Huế, Gia Lai, Đồng Nai... Trong mỗi chương trình từ thiện, các tình nguyện viên này sẽ trực tiếp đến lấy hàng, quà từ các nhà hảo tâm, kiểm tra chất lượng và gửi về Lệ Thủy.
Chương trình thiện nguyện đầu tiên có tên “Áo ấm vùng cao” được tổ chức vào cuối tháng 1-2014 sau hơn 1 tháng phát động. Chương trình đã tặng hơn 15 suất áo ấm mới, 200 suất quần áo cũ, 50 suất sách vở và nhiều thùng mì tôm đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của hai xã vùng cao Lâm Thủy và Kim Thủy. Lần đầu làm thiện nguyện, cả nhóm không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng, từ khâu tìm kiếm, liên hệ nhà tài trợ, nhà hảo tâm cho đến thu nhận quần áo, phân loại, đóng gói, rồi liên hệ với điểm trường nhận quà, tập hợp các em...
Nhưng, đúng như Long phấn khởi chia sẻ, nhờ sự nhiệt tình của tất cả các thành viên trong hội thiện nguyện và sự giúp đỡ âm thầm của nhiều nhà hảo tâm, chương trình đã ghi dấu ấn sâu đậm trong bà con vùng cao và quan trọng hơn, giúp hội thiện nguyện tạo niềm tin đối với những tấm lòng đóng góp, tạo sự hứng khởi, khơi nguồn cho các chương trình tiếp theo. Nhờ đó, các chương trình kết nối từ trái tim tới trái tim cứ tiếp tục được phát triển, như: “Chung một tấm lòng”, “Tiếp sức đến trường”, “Áo ấm vùng cao lần thứ 2”... Thầy Nguyễn Thanh Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học&THCS Lâm Thủy (Lâm Thủy, Lệ Thủy) tâm sự, thầy cô và học sinh vùng cao rất cảm kích tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ trong hội thiện nguyện Lệ Thủy quê tôi. Những chiếc áo ấm, cặp sách, đôi dép... chính là tình cảm yêu thương, sẻ chia của người dân mọi miền đất nước thông qua hội thiện nguyện gửi đến cho các em học sinh nghèo, khó khăn miền núi. Đối với Long, thầy Hiển khâm phục sự nhiệt tình, năng động không quản ngại vất vả và làm từ thiện bằng cả tấm lòng để đưa những món quà đến tận tay người nhận, dù hoàn cảnh gia đình Long vẫn còn không ít vất vả.
Những ngày giáp Tết Ất Mùi năm 2015 vừa rồi, hội thiện nguyện vừa hoàn thành xong một chương trình ý nghĩa đến với học sinh miền núi Lệ Thủy và lại tiếp tục hăm hở cho nhiều dự định kết nối trái tim khác. Long bày tỏ mong muốn sẽ cố gắng mở rộng quy mô của hội và tiến tới thành lập một hội chính thức, có đủ tư cách pháp nhân, để có thể liên kết nhiều hơn những tấm lòng dành cho các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hội Lệ Thủy quê tôi cũng rất kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các tổ chức, đoàn thể địa phương để làm tốt công việc thiện nguyện của mình.
Mai Nhân/Báo Quảng Bình