Chặn đánh người lái xe gây tai nạn, cẩn thận vướng vòng lao lý
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tài xế gây tai nạn giao thông (TNGT) bỏ chạy bị người dân đuổi kịp, lao vào đập phá xe, lôi tài xế ra bên ngoài để hành hung.
Đêm 23/4, tại TP Thuận An (Bình Dương) xảy ra vụ việc một xe ô tô sau khi va chạm với xe máy đã kéo lê xe máy dưới gầm chạy trên Quốc lộ 13 (phường Thuận Giao).
Sau đó, nhiều người đuổi kịp chiếc ô tô đã lao vào đập phá "hội đồng", làm hư hỏng xe.
Hiện trường chiếc ô tô bị đập phá "hội đồng" sau khi kéo lê chiếc xe máy 3km đường ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc truy đuổi, đánh đập tài xế gây tai nạn là do tâm lý đám đông và một phần không giữ được bình tĩnh.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý làm hư hỏng tài sản có dấu hiệu hình sự nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc để giải quyết theo quy định pháp luật.
"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến, hành vi của việc chiếc xe ô tô kéo lê xe máy dưới gầm chạy 3km. Đồng thời, cũng làm rõ hành vi đập phá chiếc xe ô tô của nhóm người dân có mặt trên hiện trường làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý với những người có liên quan", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, vụ ô tô kéo lê xe máy 3km dưới gầm cho thấy dấu hiệu đây là 1 vụ TNGT mà người gây tai nạn cố tình bỏ chạy. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ khi xe ô tô đâm vào chiếc xe máy thì khả năng quan sát của người lái xe ô tô như thế nào, chiếc xe máy đó dùng để chặn chiếc xe ô tô hay là có người đang điều khiển.
"Trường hợp là vụ TNGT, ô tô đã đâm vào chiếc xe máy gây ra hậu quả nghiêm trọng: chết người, thiệt hại về sức khỏe của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100 triệu đồng trở lên mà người lái xe ô tô có lỗi thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự", luật sư Cường cho hay.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy chiếc xe máy bị kéo lê là do người điều khiển phương tiện đã cố tình dùng chiếc xe này để chặn đường chiếc xe ô tô, ngăn cản hướng di chuyển của xe ô tô thì sẽ xem xét về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, trừ trường hợp người điều khiển chiếc xe máy này đang bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, buộc phải di chuyển để bỏ chạy nhằm tránh việc bị những đối tượng hung hãn truy sát.
"Thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm giao thông, hành vi làm hư hỏng tài sản là chiếc xe máy, ô tô là thuộc về cơ quan chức năng. Pháp luật nghiêm cấm việc người dân tự xử, tự ý đánh đập người điều khiển chiếc xe ô tô, đập phá chiếc xe gây tai nạn.
Dù tình huống người lái xe ô tô có vi phạm pháp luật thì hành vi đập phá tài sản là chiếc xe ô tô trên cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, rất có thể nhóm người đã đập phá chiếc xe ô tô này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và hành vi "Gây rối trật tự công cộng", ông Cường nói.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định mức độ thiệt hại của chiếc xe ô tô. Trường hợp những thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại" hoặc "Cố ý làm hư hỏng tài sản" theo điều 178 Bộ luật Hình sự đối với hành vi đập phá chiếc ô tô này.
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 -7 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Luật sư Đặng Văn Cường đưa ra khuyến cáo: Vụ việc này sẽ là bài học cho những người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiểm chế cảm xúc, không biết cách ứng xử phù hợp đối với những tình huống và chạm giao thông.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của mỗi bên, làm rõ nguyên nhân sự việc và xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Hành vi vi phạm giao thông đường bộ, cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng là những hành vi sẽ được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Có thể sẽ có một bên vi phạm pháp luật hoặc Cơ quan điều tra sẽ khởi tố cả hai bên nếu hành vi của cả hai bên đều thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Theo baogiaothong.vn