Chậm thi hành án, nộp phạt 0,05% có thỏa đáng?
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường báo cáo UBTVQH sáng 21/4 (Ảnh: Nguyễn Dũng) |
Báo cáo UBTVQH sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự lần này dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành.
Một số điểm đổi mới, đáng chú ý, điển hình như quy định cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản án quyết định.
Tuy nhiên UBTP lại tỏ ra băn khoăn với quy định này. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, quy định mức thu 0,05% kể trên chưa thỏa đáng. Bởi về nguyên tắc, hành vi trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, nay lại quy định thu thêm 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án là không có cơ sở và trái với bản chất của xử phạt vi phạm hành chính.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 305 Bộ luật dân sự, trường hợp người có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì người đó còn phải trả lãi đối với khoản tiền chậm trả và bên được hưởng phải là người được thi hành án.
“Dự thảo Luật quy định mức thu 0,05% trên tổng số tiền chậm thi hành án và nộp vào ngân sách Nhà nước là trái với quy định về trách nhiệm dân sự” – ông Hiện nói.
Việc thi hành án đã tách khỏi tòa án thành ngành dọc, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: Khi tách ra thì hiệu quả thi hành án có được nâng lên không? Bộ máy phình ra, chất lượng thi hành án thế nào?
Bên cạnh đó một số ĐB cũng quan tâm đến kinh nghiệm về mô hình tổ chức Thừa phát lại trên thế giới ra sao.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý đề nghị Luật này cần thể hiện theo đúng tinh thần Hiến pháp, bởi nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn cũng như tinh thần của Hiến pháp hiện hành.
Ông Lý dẫn dụ, việc phạt thi hành án chậm kể trên là trái với Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ Luật dân sự. “Mỗi luật cứ sửa thế này thì không biết phải thi hành theo cách nào. Phạm vi sửa đổi cũng phải xem lại. Nhiều quy định phải có sự tổng kết, đánh giá mới trình tra Quốc hội được” – ông Lý nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Luật sửa đổi cần đảm bảo tính thống nhất và đi sau những luật khác, như Luật Kiểm sát, Luật tòa án, Luật kiểm tra... Luật tòa án phải quy định như thế nào thì mới triển khai thi hành án được.
Cũng đề cập đến thời gian sửa đổi, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho rằng, nếu thấy việc sửa đổi không thực sự cấp bách thì nên để lại sau. Chờ sau khi có các luật khác liên quan rồi sửa đổi luật này sẽ tốt hơn.
Giải đáp băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường cho biết, mô hình tổ chức thi hành án dân sự rất khác nhau, nhưng thường có 2 mô hình chính: luật án lệ và luật hành văn. Trong đó phần lớn các nước duy trì mô hình xã hội hóa bằng hình thức Thừa phát lại. Đây được coi là mô hình tương lai trong thi hành án dân sự. Bộ trưởng Cường đề nghị UBTVQH chấp nhận cho trở lại mô hình xã hội hóa, vì nếu đưa vào quy định, dân sẽ thấy được cơ sở pháp lý trong thi hành án.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, chủ trương tách thi hành án dân sự ra khỏi tòa án được thực hiện từ năm 1993. Từ khi có Luật thi hành án, công tác này “năm sau luôn có tiến bộ hơn năm trước”.
Về việc có trình Luật này ra Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp thứ 7 hay không, UBTVQH cho biết sẽ phải tiếp tục nghiên cứu rồi mới đưa ra quyết định.