“Chấm dứt hiệp ước START-3 sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu”
Một phiên họp Duma Quốc gia Nga |
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), ông Vladimir Shamanov ngày 11/3 đã lên tiếng cảnh báo về khả năng chấm dứt Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), tài liệu cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo dành cho các tùy viên quân sự tại Moscow, ông Shamanov cho biết hiệu lực của hiệp ước trên sẽ kết thúc vào tháng 2/2021, song những gì sẽ xảy ra vào thời điểm đó hiện vẫn chưa rõ ràng.
"Hiệu lực của thỏa thuận trên sẽ kết thúc vào tháng 2/2021, nhưng những gì sẽ xảy ra vào thời điểm đó hiện vẫn không rõ ràng. Việc chấm dứt hiệp ước START-3 có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu", ông Vladimir Shamanov nhấn mạnh.
Ông Vladimir Shamanov cũng cáo buộc nguyên nhân dẫn đến triển vọng mong manh của hiệp ước START-3 là do Mỹ khi cho rằng Washington đã ngang nhiên phớt lờ các chuẩn mực luật pháp quốc tế với việc thông qua dự luật cấm gia hạn hiệp ước START-3 vào mùa Thu năm 2018.
Cũng tại cuộc họp trên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga đã kêu gọi lực lượng biên phòng nước này tăng cường hiện diện để giám sát các tàu và chiến hạm nước ngoài đi vào lãnh hải của nước này. Ông Shamanov nhắc lại việc Chính phủ Nga đã ban hành các quy tắc mới đối với hoạt động qua lại của các tàu và chiến hạm nước ngoài dọc tuyến hải trình Biển Bắc, theo đó Moscow yêu cầu chiến hạm của các quốc gia khác di chuyển dọc tuyến đường này phải thông báo trước cho Bộ Quốc phòng Nga cũng như cho phép lực lượng tuần tra Nga kiểm tra các tàu này
Ngoại trưởng Nga Lavrov |
Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow quan tâm đến việc kéo dài START-3, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ thể hiện tính chuyên nghệp và trách nhiệm trong cách tiếp cận đối thoại với Nga về những vấn đề ổn định chiến lược.
Hiệp ước START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010, có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, số lượng các loại vũ khí không vượt qua 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu Tổng thống của hai nước không muốn gia hạn thêm 5 năm nữa.
Trước đó, ngày 4/3, Ria Novosti đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã ký một sắc lệnh ngừng thực hiện Hiệp ước xóa bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF) với Mỹ.
Quyết định của Tổng thống Putin được cho là để đáp trả việc Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.
Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).