‘Cha mẹ nên xem kỹ nhãn mác của lọ vacxin tiêm cho con’
Sáng 10/5, chúng tôi có mặt ở phòng tiêm chủng tự nguyện Safpo 135 Lò Đúc, Hà Nội. Trong gần 3 tiếng, phòng khám có khoảng 20 cháu bé được cha mẹ đưa tới tiêm chủng theo độ tuổi.
Chị Nguyễn Thị Thu ở Hà Đông đã đi hơn chục km lên đây để tiêm phòng cúm cho con trai 11 tháng tuổi. Theo chị, bác sĩ tư vấn trẻ tiêm phòng cúm từ sau 6 tháng tuổi nhưng vì thỉnh thoảng cu cậu hay ốm nên không tiêm đúng lịch được.
“Trước đây tôi vẫn cho con tiêm dịch vụ ở một địa chỉ tại Hà Đông. Nhưng hôm qua vừa nghe nói chuyện bớt lượng vacxin khi tiêm cho trẻ ở một phòng tiêm khác nhưng cùng hệ thống nên tôi không tới đó nữa. Tôi hơi hoang mang do trước đây tiêm cho con chẳng bao giờ để ý lọ thuốc còn hay hết. Người dân chúng tôi tìm đến bác sĩ là đã hoàn toàn tin tưởng, chẳng nghi ngờ vậy mà…” chị Thu tỏ vẻ thất vọng.
Bác sĩ Kim tư vấn, hỏi ý kiến cha mẹ trước khi quyết định tiêm loại vacxin nào cho trẻ. |
Khi mang thắc mắc về việc có hiện tượng bớt vacxin như báo chí nêu tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), bác sĩ Nguyễn Đình Kim, tư vấn tại phòng tiêm chủng cho rằng, vì chỉ nghe trên các phương tiện truyền thông nên cũng không biết thực hư. “Trên thực tế, ở ống nước dung dịch ghi là 0,5ml thì sẽ có nhiều hơn một chút, thường là khoảng 0,7ml. Việc có chuyện bớt vacxin, dùng vào việc gì, cho ai, có tác dụng thế nào thì cần các cơ quan chức năng làm rõ” – bác sĩ Kim nói.
“Nhiều bà mẹ hỏi chúng tôi về việc tiêm phòng sởi, thủy đậu cho con từ nhỏ nhưng khi đi học cấp 1, cấp 2 lại thấy bị thì có phải do chất lượng của vacxin không. Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên gia khẳng định sau khi tiêm chủng, vẫn có khoảng 5% bị lại và tự khỏi.
Với từng loại vacxin, bác sĩ tư vấn đã nói rõ bao giờ tiêm mũi nhắc lại thì các bà mẹ cần lưu ý để đưa con em mình đi tiêm đúng thời gian. Khi tiêm dịch vụ, đa số vacxin ngoại có giá đắt, từ 600 đến khoảng 1,3 triệu/liều. Như vậy, bỏ số tiền lớn, phụ huynh phải xem kỹ bao bì, so sách tên trên lọ thuốc và trên vỏ ngoài, số lô, hạn dùng…” – lời bác sĩ Kim.
Theo một bác sĩ xin được giấu tên ở Bệnh viện 103, vacxin dùng để tiêm phòng bệnh nào thì chính là một loại độc tố của bệnh đó, đã được làm giảm độc lực, không gây hại. Khi tiêm vacxin vào, nó sẽ kích thích cơ thể sản sinh kháng thể để chống lại vi rút gây bệnh đó.
“Ví dụ một lọ vacxin có 10 con virus, họ bớt liều đi, chỉ còn 7 con thì tác dụng làm sản sinh kháng thể cũng sẽ giảm. Tùy từng loại vacxin có điều kiện nhiệt độ, thời gian bảo quản khác nhau để xác định có dùng được cho người tiêm sau hay không. Nếu bảo quản đúng, vẫn dùng được” – bác sĩ này nói.
Một bác sĩ nhi tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho rằng tiêm không đủ liều thì cũng coi như tiêm vacxin không thành công. Theo ông về nguyên tắc vacxin lấy ra mà không tiêm là bị hỏng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đồng quan điểm với vị bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và cho rằng, về nguyên tắc mỗi lọ vacxin chỉ tiêm cho 1 trẻ. Sau khi có đơn tố cáo bà Bùi Thị Phương Hoa bớt 0,2ml (2/5 lượng vacxin trong lọ) ở Trung tâm tiêm chủng thuộc Sở ở địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh, ông Cảm cho hay: "Chúng tôi đã yêu cầu khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vacxin sinh phẩm rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng xem sự việc này là hiện tượng hay có tính chất hệ thống. Đến nay chưa phát hiện thấy có sai sót mang tính hệ thống, chưa phát hiện trường hợp nào tương tự như trên. Đây trường hợp đầu tiên xảy ra tại trung tâm”.
Theo ông Cảm, quy trình tiêm chủng được tiến hành theo các bước: Tiếp đón khách đến, xem trẻ đã đến lượt tiêm chủng chưa; Khám, phân loại và chỉ định tiêm chủng; Trẻ đến bộ phận vào sổ, vào máy; Thu tiền, phát tickê rồi Tiêm. Như vậy, quy trình tiêm chủng tương đối chặt chẽ, hàng ngày đều có kiểm tra giám sát, kiểm kê hàng. Với việc kiểm soát chặt thì việc tái sử dụng văcxin cho trẻ khác là khó thực hiện.
"Tiêm chủng văcxin là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ. Nhà sản xuất quy định 0,5ml thì phải tiêm đủ để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể. Chúng tôi sẽ lập bộ phận thường trực tư vấn, tiếp nhận thông tin phản ánh của các bậc phụ huynh để theo dõi. Chúng tôi có trách nhiệm với tất cả những trẻ đã được tiêm chủng", ông Cảm nói.
Mỗi ngày trung bình 100-200 trẻ đến trung tâm tiêm chủng. Cách đây hơn một năm có nghi vấn về việc ăn bớt vacxin tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm, tuy nhiên qua kiểm tra đã không phát hiện có hiện tượng bớt xén. |
Nhật mai