Cậu học trò tự làm giường đa năng cho bố bị liệt
Từ khi bố bị liệt do một tai nạn giao thông, ngoài thời gian học, em Lê Văn Hóa thường đi khắp các bãi phế liệu chọn lựa mua bánh xe, bình ắc quy… về làm xe lăn, giường đa năng cho bố. Giờ đây, sức khỏe ông Lê Văn Hiếu (bố em Hóa) đã tiến triển rất tốt và ông cảm thấy hạnh phúc và yêu đời trên một chiếc giường đa năng - có thể xoa bóp chân, ghế ngả có thể ngồi và nằm; một chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu để đi thăm bà con chòm xóm do chính con trai ông sáng tạo.
Em Lê Văn Hóa bên người bố của mình trong ngôi nhà đơn sơ nồng ấm tình cha con. |
Đau thương trở thành sức mạnh
Trong ngôi nhà xây còn dở dang chưa trát vữa, nằm lọt thỏm trong những hàng cây tại thôn Ngô Xá Đông lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười niềm vui. Mỗi người mỗi việc, Hóa thì chăm sóc bố, hoàn thiện chiếc xe lăn, mẹ của Hóa thì đi buôn bán lo cuộc sống kinh tế gia đình. Một ngày mới bắt đầu, ông Hiếu bật công tác khởi động hệ thống ròng rọc, đòn bẩy đưa người liệt toàn thân từ giường sang xe lăn do Hóa sáng chế.
Khi ấy, hệ thống ròng rọc, đòn bẩy sẽ đưa ông Hiếu lên trên cao bằng sợi dây vải bện chặt buộc vào người. Tiếp đó, chỉ cần điều khiển chiếc đòn bẩy nhẹ nhàng hạ xuống một đầu, đúng tầm chiếc xe lăn đang dựng sẵn. Sau đó, Hóa đưa ba từ nhà xuống sân rồi chạy vô lấy díp và kem đánh răng cho bố. Vừa đánh răng xong, Hóa đẩy ông Hiếu trên chiếc xe lăn đi quanh xóm trò chuyện chuyện làng, chuyện xã. Xong xuôi, hai bố con về lại nhà. Ông Hiếu trở về ngồi chiếc giường đa năng có dụng cụ mát xa chân cho người liệt toàn thân làm bằng những thanh sắt đơn giản, bánh xe, công tắc..
Chỉ cần ấn công tắc điện, chiếc máy mát xa chân sẽ tự hoạt động. |
Quay ngược thời gian, 10 năm trở về trước, ông Hiếu gặp tai nạn giao thông thập tử nhất sinh. Vào năm 2003, khi lăn lội vào Nam tìm cách học hỏi kinh nghiệm, mô hình sản xuất chăn nuôi để mang về quê hương áp dụng, ông Hiếu đang đi xe máy thì bất ngờ bị tai nạn. Các bác sĩ thông báo, vụ tai nạn đã khiến ông Hiếu bị tổn thương nặng nề, bị liệt từ cổ trở xuống. Vợ, các con và phải đưa ông Hiếu vào bệnh viện trung tâm TP.HCM chữa trị để ông có thể hô hấp bình thường nhờ máy trợ thở. Chi phí dành cho việc chữa trị của ông Hiếu quá lớn nên 6 tháng sau gia đình đã khánh kiệt. Bệnh tình của ông Hiếu ngày càng nặng thêm, bác sĩ yêu cầu gia đình đưa ông về nhà lo hậu sự.
Nghĩ lại tình cảnh lúc đó, ông Hiếu rơm rớm nước mắt nói: “Nhà đã khó rồi tôi lại tai nạn thập tử nhất sinh nữa. Trăm thứ khó khổ đổ lên đầu vợ con. Bà Hạnh cùng 2 người con cả thay tôi làm những công việc đồng áng và buôn bán. Còn cậu con út là Hóa chịu trách nhiệm trông tôi”. Cả nhà thay nhau bóp tay, chân liên tục 20/24 tiếng mỗi ngày cho ông Hiếu. Nếu nhịp bóp không đều hoặc không có người bóp, chân tay ông Hiếu sẽ đau buốt. Vợ, các con, họ hàng, bà con chòm xóm thay phiên nhau bóp chân tay cho ông Hiếu suốt mấy năm trời. Họ chỉ được nghỉ ngơi vào buổi đêm, khi mọi người đã thấm mệt và ông Hiếu đã chìm vào giấc ngủ.
Từ hoàn cảnh đó, ông Hiếu gợi ý cho con về một máy xoa bóp để đỡ bớt vất vả cho vợ, con. “Một người chăm tôi là mất đi một người đi làm. Qua sự gợi ý, hướng dẫn của tôi, Hóa đi tới các bãi phế liệu mua mô tơ gạt nước, biến thế, cần lắc…”.
Cỗ máy kì diệu
Nói về máy mát xa chân cho người liệt toàn thân, Hóa chia sẻ: Lần đầu tiên, Hóa mua về lắp ráp cho bố cũng chẳng dễ dàng mà được ngay, phải tới mấy lần sau máy mới hoàn chỉnh. Giờ đây chiếc máy hoạt động bao gồm mô tơ gạt nước, một máy biến thế, cần lắc, 2 tấm gỗ buộc vào chân được vặn vít chắc chắn. Tất cả sẽ hoạt động khi bấm công tắc điện.
Niềm vui khôn tả, từ ngày có máy mát xa chân, cả gia đình ông Hóa không phải thay nhau xoa bóp chân cho ông nữa. Nhưng khổ nhất là mỗi lần đỡ ông Hiếu ngồi dạy và đưa qua xe lăn, do Hóa còn nhỏ nên không thể đưa ba đi được đều phải nhờ hàng xóm tới giúp đỡ. Một lần, hai lần chứ không phải lúc nào cũng có người để mình nhờ giúp đỡ được. Hóa trằn trọc suy nghĩ phải sáng tạo dụng cụ, thiết bị gì có thể di chuyển bố một cách nhẹ nhàng. 1 tháng, 2 tháng rồi ý tưởng ấp ủ làm một cái gì cũng được rõ ràng. Hóa nghĩ ra cách di chuyển bố nhẹ nhàng bằng hệ thống ròng rọc, đòn bẩy đưa người liệt toàn thân từ giường sang xe lăn.
Chỉ vài tháng sau đó, Hóa hoàn thành hệ thống nâng người ấy, rồi cũng chính Hóa, đục tường nhà, khoét lỗ, trám xi măng để làm chỗ treo ròng rọc. Thời điểm ấy Hóa mới học lớp 7.
Hệ thống ròng rọc, đòn bẩy đưa người liệt toàn thân từ giường sang xe lăn nhẹ nhàng. |
Từ những thành công ấy, Hóa lại thiết kế máy nâng người gập lên gập xuống, chỉ cần bấm công tắc điện, được nối và gắn chắc chắn trên giường ông. Từ ngày có nó, ông Hiếu không khỏi buồn phiền lo lắng về xem ti vi mệt mỏi nữa. Từ chỗ bị liệt tứ chi, chỉ biết há miệng nhờ người nhà đổ thức ăn vào, giờ đây ông Hiếu đã có thể tự cử động cổ tay, tay di chuyển quan lại, bấm nút điều khiển, tự cầm cốc nước uống.
Hàng ngày, Hóa vẫn cần mẫn hoàn thiện chiếc xe lăn đa năng cho người khuyết tật. |
Mặc dù có chiếc máy xoa bóp tự động nhưng Hóa vẫn tranh thủ xoa bóp cho bố. |
Năm 2011, em Lê Văn Hóa sáng tạo thành công chiếc xe lăn chạy bằng ắc quy dùng cho người khuyết tật không sử dụng được bàn tay, đoạt giải nhất lĩnh vực kỹ thuật, giải ba toàn hội thi "Sáng tạo khoa học và kỹ thuật" quốc tế Intel Isef do sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Sáng chế này cũng mang về cho Hóa giải ba hội thi "Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học Visef 2012". Em cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, sở GD-ĐT Quảng Bình, Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam…
Năm 2012 vừa qua, em Lê Văn Hóa tạm gác ước mơ học đại học. Cậu con trai hiếu thảo chia sẻ: “Em sẽ hoàn thiện chiếc xe lăn đa năng cho người khuyết tật sử dụng và làm xong chiếc giường đa năng như một người bạn để chăm sóc, phục vụ bố em rồi mới tính chuyện thi đại học”. Ngày 8/1vừa qua, sở LĐ, TB & XH tỉnh Quảng Trị phối hợp với hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tổ chức buổi họp đánh giá sáng kiến chiếc xe đa năng dùng cho người khuyết tật tham gia giao thông của em Lê Văn Hóa. Tại buổi đánh giá, sau khi chứng kiến em Hóa sử dụng và thuyết minh tác dụng của chiếc xe đa năng cho người khuyết tật, đại diện các ngành chức năng đã đánh giá cao sự sáng tạo của Hóa, đồng thời góp ý giúp Hóa điều chỉnh một số chi tiết nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ, tính an toàn và phù hợp hơn trong quá trình sử dụng của người khuyết tật. Đại diện các cơ quan cũng đã tìm giải pháp hỗ trợ một phần kinh phí, tìm nguồn tài trợ để giúp Hóa sản xuất ra sản phẩm giúp người khuyết tật có phương tiện tham gia giao thông thuận lợi. |
Theo Kiến Thức