Câu chuyện hiến giác mạc của Hải An đã lan tỏa nghĩa cử cứu người
Trong ảnh từ phải qua trái: Anh Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đang trò chuyện với 3 người là chịNgô Thị Thìn, chị Vũ Thị Thùy Dương và anh Nguyễn Mạnh Đạt đến đăng ký hiến tạng chiều 28-2. |
Tại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người những ngày qua liên tục nhiều người đến xin đăng ký hiến mô tạng để lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này.
Anh Nguyễn Mạnh Đạt 37 tuổi, hiện đang làm việc tại FPT đã đến trung Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Đức để đăng ký hiến tạng.
Anh Đạt cho biết đã có suy nghĩ về việc đăng ký hiến tạng từ rất lâu nhưng chưa thực sự quyết tâm, sau sự việc bé Hải An anh đã quyết định tới ngay Trung tâm để làm thủ tục.
Cũng trong lúc anh Đạt đến, trung tâm đón chị Vũ Thùy Dương là 1 giáo viên dạy thiền và yoga. Chị đến với Trung tâm không phải do sự kiện bé Hải An mà do chị nghĩ tới điều này từ nhiều năm trước.
Chị chia sẻ, dịp tết vừa qua, khi về quê, trong khi trò chuyện với người mẹ của mình, chị nghe bà nói: "Sau này mẹ chết mẹ muốn hiến hết thân thể cho y học". Từ tâm sự đó của người mẹ, chị càng nghĩ nhiều hơn về câu chuyện hiến tạng, hiến xác. Chị đến Trung tâm và xin thêm đơn mang về cho mẹ và những người thân khác ký.
Chị Ngô Thị Thìn cũng trú tại Hà Nội, chị Thìn là 1 bệnh nhân ung thư. Chị là chủ một tiệm cắt tóc, gội đầu. Chị đến đăng ký hiến mô, tạng... vì muốn mình sống một cuộc đời trọn vẹn.
Chị Thìn tâm sự, từ năm 2015 chị phát hiện bị ung thư, đã điều trị bằng các phương pháp. Lúc bị bệnh chị suy sụp và gầy chỉ còn da bọc xương. Tuy nhiên, chị dần lạc quan hơn, lấy niềm vui từ gia đình và công việc để có thể quên đi bệnh tật, sống chung với bệnh.
Câu chuyện của bé Hải An được cộng đồng chia sẻ và đầy xúc động, chị Thìn cũng giật mình nhận thấy mình cần phải làm điều gì đó không thể cứ thế mà chết đi. Tôi quyết định sẽ hiến tạng cho y học. Hôm nay tôi đến đây đăng ký, bước vào phòng vẫn thật hồi hộp nhưng cảm thấy có gì đó nhẹ nhõm.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ 25/2 đến 28/2, Trung tâm nhận được 159 trường hợp đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/ chết não. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, số người đến đăng ký hiến mô/ tạng cũng tăng cao hơn bình thường trong mấy ngày qua.
Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến 26-12-2017, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não là 11.653 trường hợp. Con số này gần gấp đôi so với năm 2016 (6.726 trường hợp). Đến nay, số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 192 trường hợp; số người đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe, các thông số y, sinh học trước khi hiến tạng tại Trung tâm là bảy trường hợp. Hiện nay, có một trường hợp đăng ký thực hiện hiến xác.
Năm 2017, Việt Nam thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó 631 ca ghép thận; 29 ca ghép gan; ba ca ghép tim; một ca ghép phổi. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ ghép được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được. Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.