Cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn cầu: Chỉ có Nga và Mỹ
Cũng theo SIPRI, không có một quốc gia nào đang sở hữu vũ khí hạt nhân “tình nguyện” từ bỏ kho vũ khí này trong tương lai gần.
SIPRI thông báo: “Đầu năm 2016, 9 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, sở hữu khoảng 4.120 vũ khí hạt nhân được triển khai cho các hoạt động tác chiến. Nếu tính tất cả các đầu đạn hạt nhân, các quốc gia này sở hữu khoảng xấp xỉ 15.395 đầu đạn hạt nhân so với 15.850 đầu đạn hồi đầu năm 2015”.
Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đã giảm so với năm 2015. Nguồn: Flickr |
Các chuyên gia SIPRI cho rằng tổng số vũ khí hạt nhân có xu hướng giảm chủ yếu là do nỗ lực của Nga và Mỹ, hai quốc gia chiếm tới 93% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, SIPRI cũng nhận định, quy trình giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân vẫn còn rất chậm và tiến trình hiện đại hóa các loại vũ khí hạt nhân vẫn đang được thực hiện tại các nước này.
“Ví dụ, Hoa Kỳ có kế hoạch chi 348 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2024 để duy trì và hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình. Một số dự đoán cho thấy chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể tiêu tốn tới 1 nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm tới”, báo cáo của SIPRI cho hay.
Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng đang mở rộng số lượng vũ khí hạt nhân cùng năng lực tên lửa của riêng mình.
SIPRI có trụ sở ở Stockholm là một viện nghiên cứu quốc tế độc lập, được thành lập năm 1966, chuyên về các vấn đề như kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và các cuộc xung đột.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.