Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật như sau: Với 446 đại biểu tham gia (chiếm 90,28%), 439 đại biểu tán thành (chiếm 88,87%), 6 đại biểu không tán thành (chiếm 1,21%), 1 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,20%).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật |
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trình bày, nhiều ý kiến tán thành quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã nhưng đề nghị cần quy định chặt chẽ phạm vi, thủ tục, quy trình ban hành, nhất là đối với cấp xã. Ngược lại, có ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp huyện, cấp xã.
Nội dung báo cáo cũng đưa ra kiến nghị như đã báo cáo với Quốc hội trong Báo cáo số 868/BC-UBTVQH13 ngày 20/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật quy định rõ hơn căn cứ ban hành, phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản. Theo đó, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết; UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao (Điều 30). Kiến nghị thay đổi này đã được Quốc hội thông qua.