Cấp mã số công dân là đơn giản hóa thủ tục hành chính?
Mấy ngày qua, thông tin về việc Bộ Tư pháp lấy ý kiến về đề án cấp số định danh cho mỗi công dân được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy, hiệu quả của mã số này đem lại là gì, có chồng chéo với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an?
Nhằm hiểu rõ hơn về mã số công dân, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Khanh, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp – Bộ Tư pháp xung quanh vấn đề này.
Nguyên nhân nào khiến Bộ Tư pháp đề xuất việc cấp mã số định danh công dân và hiệu quả mà nó đem lại là gì, thưa ông?
Xuất phát từ thực trạng quản lý công dân của nhà nước ta là có rất nhiều loại giấy tờ của công dân như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (CMND), Hộ chiếu, Đăng ký kết hôn, …
Bộ Tư pháp đã tổng kết, có khoảng trên dưới 20 loại giấy tờ cho mỗi công dân. Mỗi loại giấy tờ lại có một số, mã số khác nhau; do Bộ, ngành đặt ra để quản lý theo chức năng của mình. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất việc cấp mã số định danh công dân (mã số công dân) nhằm thay thế cho phần lớn các loại giấy tờ trên trong Dự thảo Luật Hộ tịch.
Theo ước tính, chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ, sao chụp, chứng thực khoảng 4.780 tỷ đồng mỗi năm. Nếu đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện, ngoài việc tiết kiệm thời gian, công sức của công dân và cơ quan chức năng, mỗi năm nước ta ít nhất cũng tiết kiệm được trên 2.000 tỷ đồng cho các chi phí trên.
Mã số công dân chứa đựng những gì mà có thể thay thế cho phần lớn các giấy tờ nhân thân của một con người?
Mỗi loại giấy tờ có một ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, với việc cấp mã số định danh cho mỗi công dân thì có thể tiến tới việc mỗi công dân sẽ có một thẻ từ trên đó ghi mã số công dân. Ẩn chứa đằng sau chiếc thẻ từ là những thông tin cơ bản của một con người như: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; dân tộc; họ tên bố; họ tên mẹ; nơi thường trú … và nhiều thông tin khác sẽ được cập nhập trong suốt cuộc đời mỗi con người như: quá trình học tập (năm tốt nghiệp); quá trình công tác; chiều cao, nhóm máu; …
Các thông tin này sẽ do các Bộ, ngành cập nhật thành bộ cơ sở dữ liệu thống nhất về định danh công dân. Trên cơ sở đó, nó lại phục vụ ngược lại cho các Bộ, ngành liên quan. Ví dụ: Ngành thuế muốn xác lập một mã số thuế cho một cá nhân nào đó thì không phải lặp lại các thông tin như: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; … mà chỉ việc gắn mã số thuế vào mã số công dân của người đó thôi.
![]() |
Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Công Khanh |
Nếu các Bộ, ngành lấy mã số công dân làm mã số quản lý của Bộ, ngành mình thì trong mọi giao dịch, công dân chỉ cần mang chiếc thẻ từ của mình. Lúc này thẻ từ có thể thay thế các loại giấy tờ để chứng minh mình là mình. Nếu hiện đại, có thể thay thế cả Giấy phép lái xe, Thẻ ATM … ngoại trừ một số giấy tờ như: Hộ chiếu, Thẻ hội viên …
Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Nghị định 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy, đề án cấp mã số công dân có trùng lặp, chồng chéo với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an?
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang triển khai cũng đề cập đến số định danh cá nhân. Có thể nói, số định danh cá nhân và mã số công dân là một. Tuy nhiên, dự án này được quy định trên cơ sở Nghị định do Chính phủ ban hành, phục vụ chủ yếu cho chức năng của Bộ Công an. Còn để mở rộng, kết nối cho các ngành khác và cắt giảm hàng loạt các thủ tục hành chính, dân sự liên quan đến các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm, … thì phải quy định mã số công dân trên cơ sở văn bản luật do Quốc hội ban hành. Có như vậy mới tương đồng với các lĩnh vực khác về giá trị pháp lý.
Nếu được chấp thuận, việc cấp mã số công dân sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Dự thảo Luật Hộ tịch đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình Chính phủ kèm theo đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu thuận lợi, tháng 10/2013 Luật Hộ tịch sẽ được Quốc hội thông qua. Nhưng để luật có hiệu lực, đi vào cuộc sống, cần phải có một khoảng thời gian dài hơn các luật khác để chuẩn bị.
Khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, những công dân mới sinh ra sẽ được cấp mã số công dân bên cạnh việc cấp Giấy khai sinh; những công dân sinh trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực sẽ được cấp mã số công dân khi cấp mới, cấp đổi CMND hoặc khi việc cấp mã số công dân được triển khai đồng bộ.
Theo đề án, dự kiến đến hết năm 2020, việc cấp mã số công dân sẽ cơ bản hoàn thành.
Xin cảm ơn ông!