Cấp cứu hạ đường huyết chỉ vì mải mê lo Tết
Những ngày Tết số ca nhập viện gia tăng nhất là những bệnh nhân bị các bệnh mãn tính. Nhiều người bị hạ đường huyết nhưng không biết.
Cấp cứu vì hạ đường huyết
Bà Nguyễn Thị Ly – Thường Tín, Hà Nội không thể nào quên được Tết năm ngoái. Chiều 30 Tết cả gia đình phải vào viện theo bà Ly vì bà bất ngờ bị hạ đường huyết. Bà Ly bị đái tháo đường tuyp 2 mới phát hiện từ giữa năm 2019.
Tết 2020, trưa 30 Tết cả gia đình làm cơm tất niên, bà Ly tất bật chuẩn bị cơm cúng, sắm sửa đủ cả. Trước khi ăn cơm, bà nhớ bác sĩ dặn phải tự tiêm insulin vì thuốc của bà tiêm trước bữa ăn. Tranh thủ lúc chờ cơm cúng, bà Ly vội lên nhà tiêm mũi tiêm hạ đường huyết.
Tiêm xong nửa tiếng là phải ăn nhưng bữa cơm vui vẻ khách ra vào đông quá, bà Ly quên mất còn chẳng kịp ăn. Đến tầm 1h chiều bà thấy người bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt. Bà ngã quỵ ra đất. Cả gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu, bác sĩ cho biết bà bị hạ đường huyết. Khi vào cấp cứu bệnh nhân đã hôn mê đường huyết dưới 3,0mmol/l.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Thế Lăng – 51 tuổi, Hà Đông, Hà Nội nhập viện vì hạ đường huyết. Trước khi ăn uống anh được vợ đưa thuốc uống để giúp cân bằng đường huyết tránh tăng đường huyết. Tuy nhiên, ngồi vào mâm anh Lăng uống 1, 2 chén rượu và chỉ ngồi nói chuyện, không ăn gì.
Ảnh minh họa. |
Đang ăn, mọi người thấy anh Lăng gục xuống tưởng anh mệt do uống rượu. Tuy nhiên, khi mọi người lay gọi thì anh đã bị ngất. Người nhà vội đưa ra cấp cứu thì được bác sĩ cho biết bệnh nhân bị hạ đường huyết đột ngột. Cả gia đình anh Lăng mất Tết vì anh nằm viện từ chiều 30 đến mùng 5 Tết.
Nhận biết và xử trí hạ đường huyết
Theo bác sĩ Dương Tấn Khánh - Bác sĩ học nội trú năm thứ 3 tại Dallas, Texas, Mỹ ngày Tết bệnh nhân đái tháo đường phải hết sức cẩn trọng.
Bác sĩ Khánh cho biết trong điều trị đái tháo đường là dùng thuốc hạ đường máu xuống bình thường. Một số bệnh nhân bị đái tháo đường tuyp 1 dùng insulin còn đái tháo đường tuyp 1 dùng thuốc uống.
Khi dùng quá liều insulin có thể gây hạ đường huyết, uống thuốc quá liều cũng gây hạ đường huyết. Một số insulin nên tiêm trước khi ăn và tiêm xong thì phải ăn nếu không ăn thì đường máu xuống thấp. Ngày Tết, người bệnh rất dễ mắc những sai lầm này.
Cách nhận biết hạ đường huyết - triệu chứng của hạ đường huyết bụng đói cồn cào, chóng mặt, ra mồ hôi, mặt tái nhợt, đau đầu, run tay chân, tim đập nhanh.
Đường mau tụt xuống quá thấp dưới 2,8 mmol/l thì não bộ không hoạt động có thể dẫn tới hôn mê, co giật và tử vong.
Trường hợp, hạ đường huyết vào ban ngày còn có thể xử trí kịp thời nhưng nếu cơn hạ đường huyết xảy ra vào ban đêm thì rất nguy hiểm. Vì vậy những người bị đái tháo đường đang sử dụng insulin cần hết sức chú ý. Dù ngày Tết vẫn phải tiêm thuốc đúng liều bác sĩ chỉ định. Thuốc phải tiêm trước khi ăn thì tiêm xong phải ăn để tránh hạ đường huyết. Không dùng thuốc quá liều vì nó dễ gây hạ đường huyết.
Bác sĩ Khánh cho biết nguyên tắc xử trí hạ đường huyết là nhanh chóng đưa đường máu trở về bình thường. Có thể ăn gì đó có đường. Nguyên tắc ăn để không tăng đường huyết, lượng đường vừa phải vào máu của mình đó là nguyên tắc 15:15 đây là số tượng trưng ăn 15 gram đường và thử lại đường huyết sau 15 phút.
Nếu đường huyết dưới 3,9 mmol/l thì tìm thêm thực phẩm chứa 15 gram đường ăn vào. Nếu sau 15 phút thử đường máu vẫn ở dưới 3,9 mmol/l thì vẫn ăn thêm. Nếu quen thuộc với triệu chứng của hạ đường huyết và không có sẵn máy đo đường huyết thì có thể ăn tạm 15 gram đường.
BS Khánh chia sẻ người ta khuyến cáo 15 gram đường vì đây con số vừa đủ nâng đường huyết lên mức bình thường. Khi bị hạ đường huyết không nên vội vàng uống chai nước ngọt vì có thể làm đường huyết tăng cao nguy hiểm hơn. Vì khoảng cách từ hạ đường huyết thành tăng đường huyết rất nhanh. Một vài người có sử dụng bò húc để tăng đường huyết nhưng 1 lon bò hức chửa 45 gram đường nên chỉ uống 1/3 lon bò húc. Còn nước ngọt khác có thể nhìn hàm lượng đường trong lon nước.
Hạ đường huyết là tình huống khẩn cấp phải trữ sẵn các thực phẩm có đường ở nhà như chai nước đường, bò húc, kẹo, bánh trong túi phòng trường hợp hạ đường huyết đột ngột có thể xử trí bình thường.
Khi đường huyết về bình thường, người bệnh cần chú ý tìm nguyên nhân vì sao hạ đường huyết. Nếu do tiêm insulin và không ăn thì lần sau bắt buộc phải ăn. Còn tiêm xong, ăn rồi vẫn hạ đường huyết có thể thuốc tiêm quá liều cần trao đổi với bác sĩ điều trị để đổi thuốc cho phù hợp.
Khánh Chi