Cấp cứu bệnh nhân bị hoại tử mạc nối lớn
Ảnh minh hoạ. |
Bệnh nhân là anh Nguyễn T.L., 23 tuổi (Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) bị đau bụng 2 ngày, đau âm ỉ liên tục quanh rốn không đau lan, không nôn, không sốt. Cách thời gian vào viện 3h bệnh nhân xuất hiện đau nhiều hơn, đau quặn từng cơn ở nửa bụng phải, không lan. Ở nhà dùng thuốc giảm đau không đỡ.
Bệnh nhân vào viện được làm siêu âm phát hiện khối mạc nối lớn nên bác sĩ chẩn đoán hoại tử mạc nối lớn do xoắn mạc nối lớn. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt mạc nối lớn, làm sạch ổ bụng
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Sinh Cung – Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh thường khó chẩn đoán vì không có triệu chứng đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với những viêm nhiễm khác ở ổ bụng. Chụp cát lớp vi tính là phương pháp tốt nhất hiện nay để chẩn đoán hoại tử mạc nối lớn.
Đặc điểm hình ảnh trên phim chụp cát lớp vi tính có hình ảnh thâm nhiễm mỡ không đồng nhất trong ổ bụng ngay sau thành bụng trước bên, phía trước đại tràng, không thấy viêm túi mật hay viêm ruột thừa cấp hay u nang buồng trứng xoắn.
Bệnh có thể tiến triển dẫn đến viêm phúc mạc, áp xe hoá hay tắc ruột do dính. Điều trị bằng phẫu thuật mở hoạt nội soi cắt mạc nối lớn. Bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi cắt mạc nối lớn thường hồi phục nhanh, tiến triển tốt có thể ra viện sau 4 ngày.
Mạc nối lớn bao gồm tất cả các phần phúc mạc trung gian, tỏa từ bờ cong lớn dạ dày đến các cơ quan xung quanh, bao gồm 3 dây chằng: Dây chằng vị - hoành: đi từ đáy vị tới cơ hoành. Dây chằng vị - lách: đi từ bờ cong lớn đến lách và liên tiếp ở phía sau với dây chằng lách thận. Dây chằng vị - đại tràng: là phần chính của mạc nối lớn.
Mạc nối lớn có đặc tính thấm hút và dính. Vì thế nó là hàng rào để chống đỡ vi khuẩn và bao vây ổ viêm nhiễm. Nhưng khi không đủ sức chống đỡ thì nó lại là nơi dễ bị viêm nhiễm và gây viêm phúc mạc. Nhờ tính dính, phần tự do của mạc nối lớn hành động như một đội quân di động chạy tới cô lập các tạng bị viêm bằng cách bao phủ xung quanh, tạo thành một mảng dính, cách ly không cho ổ viêm lan truyền, hoặc tới bịt lỗ hổng khi thành bụng hay một tạng nào đó bị thủng. Tính thấm hút của nó cũng là một yếu tố trong cơ chế thoát dịch và thấm dịch trong ổ bụng, trong bệnh lý cổ trướng.