Cảnh tượng khác lạ tại ga quốc tế Nội Bài: Vắng lặng như bị "bỏ quên"
Không hành khách, không chuyến bay, quầy hàng miễn thuế đóng cửa... Cảnh tượng vắng lặng ở ga T2 Nội Bài đối lập hoàn toàn so với sự sôi động, đông đúc vốn có, tạo cảm giác như nơi này bị "bỏ quên".
Không hành khách, không chuyến bay, quầy hàng miễn thuế đóng cửa... Cảnh tượng vắng lặng ở ga T2 Nội Bài đối lập hoàn toàn so với sự sôi động, đông đúc vốn có, tạo cảm giác như nơi này bị "bỏ quên".
Khu vực check-in vắng bóng hành khách và nhân viên. Ghế ngồi cũng được bọc nylon để tránh bụi bẩn. |
Có lẽ hình ảnh sân bay không một bóng người là minh chứng rõ ràng nhất, xác thực nhất về thiệt hại do Covid-19. Hai năm qua, Covid-19 làm vô hiệu những "kịch bản" phát triển hàng không, tổn thất cũng theo đà tăng "phi mã".
4 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam là 4 lần ngành hàng không đối diện với những cú "sốc". Có thể nói, thị trường nội địa trồi - sụt theo những làn sóng dịch bệnh, còn mạng bay quốc tế bị "đóng băng" hoàn toàn.
Bằng chứng là sản lượng khai thác quốc tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội biến động không ngừng chỉ trong 3 năm. Năm 2019, sản lượng vận chuyển qua Cảng Nội Bài đạt 79.000 lượt chuyến (L/C) thì năm 2020 con số này đã giảm "sốc" xuống chỉ còn 30.500 L/C. Năm nay, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 44.500 L/C.
Về sản lượng hành khách quốc tế, năm 2019 có 11,4 triệu lượt khách qua sân bay Nội Bài, đến năm 2020 lượng khách quốc tế chỉ còn 2 triệu và kế hoạch đặt ra là 4,4 triệu lượt khách trong năm nay.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết: "Những con số về lượt chuyến bay và sản lượng hành khách giảm sốc trong năm 2019 và năm 2020 do Covid-19. Với mục tiêu của năm nay, những con số theo kế hoạch đặt ra là trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, còn hiện nay diễn biến dịch đang phức tạp và chưa biết thời điểm khống chế được thì mục tiêu sản lượng chắc chắn sẽ thay đổi".
Kể từ năm 2020 đến nay, dù đã chuẩn bị rất kỹ càng trên mọi phương diện nhưng hàng không Việt Nam đã 4 lần "vỡ kế hoạch" mở cửa bầu trời và nối lại đường hàng không thương mại quốc tế. Lý do là trước mỗi thời điểm tổ chức khai thác được thực hiện thì một đợt dịch mới lại ập" tới, khiến cánh cửa thông thương quốc tế buộc phải khép lại.
Theo chủ trương của Chính phủ, việc đón các chuyến bay quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam hiện chỉ được thực hiện với một số đối tượng nhất định, trong đó các chuyến bay chuyên gia nhập cảnh và chuyến bay "giải cứu" công dân, người Việt lao động ở nước ngoài hồi hương. Các chuyến bay chở khách thương mại hiện chỉ khai thác một chiều từ Việt Nam đi quốc tế và bay rỗng khứ hồi.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho ra đời ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass (ITP) với khẳng định về sự tích hợp một số giải pháp số hàng đầu. IATA tin rằng đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.
Theo IATA, giải pháp này tạo điều kiện cho du lịch quốc tế trong thời kỳ đại dịch, mang lại sự yên tâm và đảm bảo rằng hành khách đáp ứng tất cả các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh. ITP nắm giữ "chìa khóa" để tái khởi động ngành du lịch và lữ hành - một ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, hồi đầu tháng 6, Vietnam Airlines và Vietjet đã công bố việc thử nghiệm loại hộ chiếu sức khỏe ITP với mong muốn khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn. Các hãng hàng không cũng kỳ vọng giải pháp này giúp Việt Nam mở cửa biên giới nhanh chóng, an toàn.
Khu vực cửa hàng miễn thuế vốn dĩ đông đúc trước kia nay vắng vẻ không một bóng người.
Hàng hóa trong các cửa hàng còn tồn đọng mà không thể khai thác do không có khách.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ITP là một trong những app chứng nhận điện tử về tiêm chủng vắc xin Covid-19 của một người, chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi sau nhiễm Covid-19. Điều quan trọng là Chính phủ cho phép ứng dụng app nào. Tháng 3 năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc triển khai cơ chế với ứng dụng ITP.
Ông Trần Tuấn Linh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam - cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nên vào cuộc. Theo ông Linh, áp dụng hộ chiếu vắc xin hay hộ chiếu sức khỏe cũng sẽ tạo ra sự chuyển mình, tạo thuận lợi trong thông thương quốc tế, vận tải quốc tế, khơi thông tắc nghẽn hai chiều của đường hàng không.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) dự báo, năm nay, doanh thu của các hãng hàng không trong nước vẫn tiếp tục giảm sâu với mức lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nếu tình hình Covid-19 được kiềm chế thì phải đến năm 2024 ngành hàng không mới có thể phục hồi.
Theo dantri.com.vn