Cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản hỗ trợ Myanmar gần 8 tỷ USD
Thông tin Nhật Bản hỗ trợ cho Myanmar được công bố ngay trong cuộc họp báo chung giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi hôm 2/11 tại Tokyo.
Theo Kyodo, Myanmar cần khoản đầu tư từ Nhật Bản và tăng cường mối quan hệ song phương để cân bằng tầm ảnh hưởng với đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar là Trung Quốc, nơi bà Suu Kyi mới tới thăm gần đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡBộ trưởng Ngoại giao MyanmarAung San Suu Kyi. |
"Là một người bạn của Myanmar, Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn lực cho chính phủ Myanmar trong lĩnh vực công và tư nhân", Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Những lĩnh vực mà Nhật Bản hỗ trợ cho Myanmar sẽ bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác năng lượng.
Bộ trưởng Suu Kyi đang thực hiện chuyến thăm 5 ngày tới Nhật Bản bắt đầu từ hôm 1/11. Đây là là chuyến thăm đầu tiên của bà Suu Kyi tới Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai tại châu Á, trên cương vị cố vấn chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar.
Theo Thủ tướng Abe, Nhật Bản sẽ cung cấp khoảng 40 tỷ yên trong vòng 5 năm cho Myanmar nhằm giúp quốc gia này tiến hành hòa giải giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Tokyo sẽ cho Myanmar vay 10,8 tỷ yên để sửa chữa hai nhà máy thủy điện đã xuống cấp.
Trong cuộc gặp với cộng đồng người Myanmar ở Nhật Bản vào sáng ngày 2/11, bà Suu Kyi nhấn mạnh nền kinh tế nước này cần phát triển nhiều lĩnh vực trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm sút khiến kinh tế Myanmar chịu tác động không nhỏ. "Chúng ta cần nhiều khoản đầu tư và cần nhiều chuyên gia có những sáng kiến mới", bà Suu Kyi nói.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản nhận định Myanmar là "biên giới cuối cùng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)". Khoản hỗ trợ của Nhật Bản cho Myanmar cho thấy Tokyo muốn cạnh tranh tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong khối các nước Đông Nam Á với Bắc Kinh.
Hồi tháng Tám, bà Suu Kyi đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu năm nay. Bà Suu Kyi đã thảo luận về các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng tại Myanmar với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Đặc biệt, bà Suu Kyi còn thảo luận về việc ngừng xây đập Myitsone và nhiều dự án thủy điện gây tranh cãi khác với giới chức Trung Quốc. Việc trì hoãn dự án trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ do Thủ tướng Thein Sein quyết định hồi năm 2011 trước những quan ngại về môi trường được xem là cú ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nước.