Cạnh tranh thị trường vũ khí châu Á với Trung Quốc: Nhật Bản đã đủ sức?
Hôm 12/6, ông Hideaki Watanabe, người đứng đầu Cơ quan Mua sắm Công nghệ và Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, Tokyo đang hy vọng tăng doanh số bán các thiết bị quân sự cho các nước Đông Nam Á trong bối cảnh những căng thẳng an ninh do Trung Quốc và Triều Tiên gây ra vẫn không ngừng gia tăng.
Đây là tuyên bố được ông Watanabe phát biểu trong cuộc triển lãm vũ khí quốc tế MAST kéo dài 3 ngày được tổ chức gần thủ đô Tokyo và có sự tham gia của hàng trăm quan chức quốc phòng cũng như những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành vũ khí trên khắp thế giới.
Triển lãm vũ khí quốc tế MAST kéo dài 3 ngày được tổ chức ở Chiba gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản. |
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), việc Nhật Bản có kế hoạch tăng cường hoạt động xuất khẩu vũ khí là một phần trong chiến lược của Thủ tướng Abe nhằm đẩy mạnh vai trò của quân đội Nhật Bản cũng như ngành buôn bán vũ khí sang các nước Đông Nam Á, khu vực mà Trung Quốc cũng đã mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí lâu nay. Ngoài ra, vào ngày 15/6 tới, Nhật Bản cũng sẽ chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của giới chức quốc phòng tới từ các nước Đông Nam Á để thảo luận về chương trình chia sẻ công nghệ và thiết bị quân sự.
Ông Watanabe cho rằng trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã có những hành động làm thay đổi hiện trạng thế giới như việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và tiến hành quân sự hóa ở những khu vực này.
"Điều cần thiết là duy trì một vùng biển mở và ổn định theo quy định của luật pháp. Đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không sẽ đóng góp vào nền hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế. Hoạt động nghiên cứu và phát triển các thiết bị quốc phòng công nghệ cao của Nhật Bản không chỉ đóng góp cho nền quốc phòng Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác", SCMP dẫn lời ông Watanabe.
Giá trị ngành công nghiệp quốc phòng nội địa hàng năm của Nhật Bản rơi vào khoảng 1,8 ngàn tỷ yên (16 tỷ USD). Con số này thua xa với ngành công nghiệp ô tô là 52 ngàn tỷ yên (470 tỷ USD)/năm.
Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản hiện vẫn còn bị giới hạn do những ràng buộc liên quan tới hiến pháp hậu chiến tranh. Các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí của Nhật Bản cũng mới chỉ hợp tác với Mỹ theo hiệp ước quốc phòng song phương. Sau khi một vài quy định hiến pháp Nhật Bản được thay đổi vào năm 2014, Tokyo hiện mở rộng hợp tác nghiên cứu với Anh, Australia và Pháp. Ngoài ra, để mở rộng ngành công nghệ quốc phòng, chính phủ Nhật Bản cũng đã tăng chi phí cho lĩnh vực nghiên cứu lên con số hơn 10 ngàn tỷ yên (90 triệu USD) trong năm nay.
Nhật Bản còn thúc đẩy hoạt động chuyển giao thiết bị quốc phòng cho các nước Đông Nam Á để giúp những nước này tăng khả năng đảm bảo an ninh hàng hải giữa lúc Trung Quốc đơn phương mở rộng chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, các thỏa thuận bán vũ khí quân sự của Nhật Bản mới chỉ giới hạn là bán máy bay trinh sát TC-90 cho Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều thiết bị quân sự giá rẻ sang các nước Đông Nam Á.
"Vấn đề lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á ở giá thành và Trung Quốc đã cung cấp các loại vũ khí giá rẻ", ông Paul Burton, Giám đốc bộ phận an ninh, quốc phòng và hàng không vũ trụ tại IHS Markit ở Singapore chia sẻ.
Trong cuộc triển lãm MAST châu Á đầu tiên hồi năm 2015, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra khá dè dặt trong việc công bố các hoạt động quốc phòng trước dư luận. Tuy nhiên, tình trạng này trong năm nay đã thay đổi khi có tới ít nhất 16 công ty Nhật Bản trưng bày các mặt hàng quân sự như Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi sản xuất máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-1, Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki và ShinMaywa sản xuất máy bay đổ bộ US-2.
"Chúng tôi muốn trưng bày các sản phẩm và công nghệ tới mọi khách thăm quan triển lãm", phát ngôn viên Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi nói.
Theo chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc, ông Yoon Sukjoon, vai trò quốc phòng của Nhật Bản hiện còn khá nhạy cảm đối với các nước châu Á do những ký ức thời chiến của Nhật Bản. Trong khi đó, vai trò đóng góp gìn giữ hòa bình của Nhật Bản lại đang vấp phải thách thức lớn đến từ Triều Tiên.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với một mối đe dọa thực sự đến từ Triều Tiên. Nhật Bản là láng giềng của Hàn Quốc. Khi chúng tôi có cùng mối quan ngại về an ninh và lợi ích, không có lý do gì ngăn cản hai nước hợp tác quân sự trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng và chia sẻ thông tin quân sự", ông Yoon nói.