Cảnh phim “thần đồng” 17 tuổi tự tử gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc bố mẹ
Bi kịch đỉnh điểm khi “thần đồng” 17 tuổi tự tử vì kỳ vọng của mẹ quá lớn trong phim “Hãy nói lời yêu”.
Trong tập 21 của bộ phim “Hãy nói lời yêu”, bà Hoài ngày càng tạo sức ép, áp lực và trút hết những cơn giận dữ lên con trai Minh sau khi cậu không hề có bất cứ giải nào trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia.
Vì bà Hoài đặt tất cả niềm tin, niềm tự hào lên người của Minh nên khi thấy con thi trượt thì bà ngày càng áp lực, càng căng thẳng, ngày nào cũng chửi bới, quát tháo con thậm tệ.
Bi kịch của gia đình bà Hoài được đẩy lên đỉnh điểm bằng sự ra đi của nhân vật Minh (Quang Anh đóng). |
Khi phát hiện ra Minh chơi game, bà Hoài đã nổi cơn tam bành, trút hết giận dữ lên con trai. Tưởng rằng vì chơi game nên Minh học hành sa sút, bà Hoài đã thẳng tay đập phá máy tính và máy chơi game của con mặc cho con có giải thích là đã chơi từ lâu và vẫn học rất tốt.
Vì để đạt mục tiêu đỗ thủ khoa đại học, bà Hoài đã nhốt Minh trong phòng vì sợ con đi linh tinh, quên chuyện học hành. Bà Hoài giam cầm con trai mình không khác gì thú cưng trong nhà sợ đi lạc. Thậm chí, trong bữa cơm, sự phản kháng yếu ớt của Minh cũng bị bà Hoài dập tắt, không ngừng chửi mắng.
Sự “quẫy đạp” cuối cùng của Minh đã không còn. Ngọn lửa hy vọng leo lắt ngày một tắt dần. Những khoảnh khắc vui đùa bên chị gái hay bên bố cũng không thể cứu vãn được nữa. Cuối cùng, Minh đã tự tử trong sự tuyệt vọng nhất, áp lực nhất. Minh đã chọn cách giải thoát cho bản thân bằng cách bế tắc nhất.
Sự ra đi của Minh không chỉ gây nên nỗi ám ảnh cho bà Hoài mà còn là một cú sốc, một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Rất nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh Minh tự tử vì áp lực mà mẹ đã đặt lên người con.
Một số bình luận nổi bật từ cộng đồng mạng:
“Thương Minh thật sự. Vì bố ngoại tình, mẹ áp đặt dẫn đến cái chết oan uổng. Bà mẹ quá chạy theo bệnh thành tích, ảo tưởng. Quan điểm của mình chỉ cần con khoẻ con ngoan là hạnh phúc lắm rồi.
Thương Minh thực sự, thương em vì phải sống trong cô đơn và áp đặt của mẹ. Bố mẹ em đã sai lầm nhưng khi nhận ra sai lầm đó thì giờ đây tất cả đã quá muộn. Một cái giá phải trả quá đắt. Một lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ. Tập phim hôm qua đã chạm đến sâu thẳm trái tim triệu khán giả”;
“Cảnh bác Trọng Trinh day dứt quá: ôm quả bóng kỷ niệm đầu và cuối đẹp nhất với con. Là những giọt nước mắt day dứt giá như chiều đó mình đón con thì đâu có chuyện Minh tự tử. Cả 1 tập phim đều văng vẳng 2 từ ‘giá như’”;
“Mong có nhiều ông bố bà mẹ xem và tỉnh ngộ ra. Khi được tiếp xúc với những đứa trẻ ngột ngạt trong ảo tưởng thành tích và kỳ vọng quá mức của bố mẹ sẽ thương xót chúng vô cùng. Và khi thầy cô bất lực nhìn những áp lực vô hình đặt trên một đứa trẻ thì xem phim này thấy đời lắm. Mong nhiều bố mẹ hãy để cho mỗi đứa trẻ là chính nó”;
“Thực tế rất nhiều người như bà Hoài và có tình cảnh của Minh. Chết về thể xác như Minh thì ít thấy, khó thấy nhưng chết về tâm hồn thì không ít. Áp đặt sự kỳ vọng và niềm tự hào của mình với xã hội vào một đứa trẻ thì đó chính là bi kịch. Con không phải vật nuôi đâu các ông bố bà mẹ ạ”;
“Sự áp đặt của người mẹ quá khích vì thành tích mà dồn con vào con đường cùng. Sao không thay vào đó là sự chia sẻ, yêu thương, động viên, khích lệ, ... đã có nhiều bạn nhỏ còn không có tuổi thơ. Bộ phim cũng là bài học phản ánh thực tế xã hội”.
Sự ra đi của nhân vật Minh cũng chính là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. |
Tập phim này không chỉ lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả mà còn là bài học, là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều phụ huynh đang ép buộc con làm theo kỳ vọng của mình.
Giới trẻ dễ thấy bóng dáng quen quen trong các drama của “Hãy nói lời yêu”
Trong gia đình, quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, chứ không phải cố tạo ra vỏ bọc hạnh phúc giả dối.
Mai Phương